Từ 1.7.2021, tách khẩu, nhập khẩu có bị thu hồi Sổ hộ khẩu?
Thông tin 'thu hồi Sổ hộ khẩu' từ ngày 01.7.2021 được nhiều độc giả đặc biệt quan tâm. Mới đây, Bộ Công an đã có hướng dẫn chi tiết về những trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu.
Có thu hồi Sổ hộ khẩu thì làm thủ tục nhập khẩu, tách khẩu?
Không có một định nghĩa “chuẩn” nào trong các văn bản pháp luật về “tách khẩu”, “nhập khẩu” nhưng đây là cách gọi thông thường của người dân.
Trong đó, tách khẩu là việc một người đã đăng ký thường trú và có tên trong Sổ hộ khẩu, nay làm thủ tục xóa tên trong Sổ hộ khẩu đó. Nhập khẩu là việc một người đăng ký thường trú mới và được ghi tên trong Sổ hộ khẩu tại địa chỉ đó.
Nội dung nổi bật, đáng chú ý nhất của Luật Cư trú 2020 chính là xóa bỏ Sổ hộ khẩu từ năm 2023. Từ ngày 01.7.2021 - ngày Luật này có hiệu lực - đến ngày 31.12.2022, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu đã cấp.
Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 55/2021/TT-BCA và có hướng dẫn cụ thể thế nào là “các thủ tục đăng ký cư trú dẫn dến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu”.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 26, các thủ tục này bao gồm:
- Thủ tục đăng ký thường trú;
- Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú
- Thủ tục tách hộ
- Thủ tục xóa đăng ký thường trú
Như vậy đã rõ, khi đi làm thủ tục đăng ký thường trú (nhập khẩu) và thủ tục tách hộ (tách khẩu) từ ngày 01.7.2021, người dân sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu.
Bên cạnh đó, cũng theo khoản 2 Điều 26 của Thông tư 55, khi đi làm các thủ tục sau, người dân sẽ bị thu hồi Sổ tạm trú:
- Thủ tục đăng ký tạm trú
- Thủ tục gia hạn tạm trú
- Thủ tục xóa đăng ký tạm trú.
Bị thu hồi Sổ hộ khẩu, lấy gì để giao dịch?
Hiện nay, rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch cần đến Sổ hộ khẩu như một loại giấy tờ bắt buộc, trong đó có thể kể đến: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con; Thủ tục làm hộ chiếu; Thủ tục đăng ký nhập học cho con; Thủ tục vay vốn ngân hàng…
Câu hỏi đặt ra là nếu đã bị thu hồi Sổ hộ khẩu, khi đi làm các thủ tục, giao dịch trên, người dân phải làm sao?
Theo Điều 3 của Luật Cư trú 2020, dù không còn Sổ hộ khẩu, nhưng những thông tin về cư trú của người dân vẫn được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Do đó, nếu cần sử dụng các thông tin này, thay vì phải xuất trình cuốn Sổ hộ khẩu như trước đây, người dân có thể khai thác các thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia để nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Theo Nghị định 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 14.5.2021, người dân có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an…
Nói tóm lại, dù thuộc trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu, nhưng người dân cũng không cần phải lo lắng vì vẫn có cách để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của mình. Trái lại, việc không dùng Sổ hộ khẩu nữa còn giúp người dân bớt thêm một loại giấy tờ phải cất giữ và mang theo khi đi làm các thủ tục hành chính.