Từ 1/7, Chủ tịch UBND quận, phường ở TPHCM đối thoại định kỳ với dân
Việc đối thoại định kỳ của Chủ tịch UBND quận, phường với người dân để hướng đến một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Chiều 7/4, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trực tiếp phổ biến, quán triệt các nội dung quan trọng của Nghị định (NĐ) số 33/2021/NĐ-CP.
NĐ số 33/2021/NĐ-CP gồm 8 chương, 45 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới quy định cụ thể nhiều nội dung mới liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, quan điểm tổ chức chính quyền đô thị TPHCM nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND Thành phố; phát huy chức năng giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Tổ chức chính quyền đô thị còn nhằm bảo đảm sự chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất của UBND Thành phố theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn; nâng cao tính tự chủ của chính quyền Thành phố trong quản lý và phát triển đô thị.
Mô hình trên nhằm thực hiện việc phân cấp, ủy quyền phù hợp với đặc điểm đô thị; đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường đúng với chức năng là các cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng với một nền công vụ thống nhất, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả.
Chính quyền đô thị trong quá trình tổ chức thực hiện gắn với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, từ ngày 1/7, công chức UBND phường sẽ thuộc biên chế công chức của UBND quận, thành phố thuộc TPHCM và sẽ do quận, thành phố trực thuộc TPHCM quản lý, sử dụng.
Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường không còn do HĐND cùng cấp bầu ra mà sẽ được chuyển sang công chức. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật... sẽ do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định.
Đặc biệt, để bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường, các quyết định, kết luận của UBND quận, phường đều sẽ được thông tin trên Cổng thông tin điện tử của quận, phường.
Chủ tịch quận, phường định kỳ đều phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư và tổ dân phố. Kết quả đối thoại được gửi đến HĐND, UBND cấp trên trước ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của HĐND Thành phố 7 ngày.
Thời hạn bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý của UBND quận, phường là 5 năm và không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính quận, phường.
Từ ngày 1/7, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác. Các trường hợp không được chuyển thành công chức hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý thì được sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đề án tổ chức chính quyền đô thị đã được TPHCM khởi xướng từ năm 2007 và điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Năm 2019, thành phố tiếp tục xin thí điểm và được Quốc hội chính thức thông qua trong năm 2020.
“Khi TPHCM không còn tổ chức HĐND cấp quận, phường, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp quận, phường sẽ nặng nề hơn. Do vậy, TPHCM sẽ đổi mới phương pháp làm việc theo tinh thần phục vụ, giảm mệnh lệnh hành chính, đề cao vai trò của người đứng đầu” – ông Phong nói.