Từ 1-7, tham gia BHXH tự nguyện: Vợ ở nhà nội trợ cũng được hưởng thai sản
Từ ngày 1-7, người tham gia BHXH tự nguyện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thai sản, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi con khi sinh.
Trước đây, lao động tự do, người không có hợp đồng hoặc không làm việc tại doanh nghiệp gần như bị “bỏ quên” khỏi chính sách thai sản.
Tuy nhiên, từ ngày 1-7, khi Luật BHXH 2024 chính thức có hiệu lực, người tham gia BHXH tự nguyện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thai sản, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi con khi sinh, không phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào.
"Mừng rơi nước mắt"

Từ ngày 1-7, người tham gia BHXH tự nguyện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thai sản, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi con khi sinh. Ảnh minh họa: TP
Chị Thùy Linh (33 tuổi, ngụ Bình Thạnh) từng nhiều lần chùn bước khi nghĩ đến chuyện sinh thêm con. Từ ngày cưới, chị ở nhà nội trợ, chăm sóc hai con nhỏ, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương của chồng.
“Bốn năm trước, tôi sinh bé thứ hai, từ viện phí, bỉm sữa đến tiền bồi bổ sau sinh đều một tay chồng lo. Tôi thấy tủi thân lắm!” - chị Linh chia sẻ.
Khi biết tin từ ngày 1-7, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản, chị Linh phấn khởi: “Tôi bất ngờ lắm, không nghĩ làm nội trợ như mình mà cũng được tính đến. Nếu chồng đóng BHXH tự nguyện rồi được hưởng thai sản, tôi thấy mình cũng có quyền được chăm sóc, được hỗ trợ. Trước giờ cứ nghĩ đóng BHXH chỉ để về già có lương, giờ biết có cả thai sản thì mừng vô cùng” - chị Linh bộc bạch.
Bước tiến quan trọng của BHXH tự nguyện
Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, cho biết theo quy định tại Điều 94 và Điều 95 của Luật BHXH 2024, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng mức trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con khi sinh. Chế độ này áp dụng không chỉ cho lao động nữ mà cả lao động nam nếu có vợ sinh con và đang tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM.
“Trước đây, BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Nay thêm chế độ thai sản là bước tiến quan trọng, giúp người dân thấy rõ lợi ích thiết thực hơn khi tham gia BHXH tự nguyện” - ông Hiền nói.
Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, ông Hiền cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành BHXH trong công tác tuyên truyền.
“Những nhóm lao động như chạy xe công nghệ, làm thuê, làm công nhật… thường ít tiếp cận thông tin chính sách. Nếu chỉ nói chung chung là "đẩy mạnh truyền thông" thì sẽ không đủ. Cần xác định rõ đối tượng, lựa chọn kênh và hình thức tuyên truyền phù hợp” - ông Hiền nêu rõ.
Ông cũng đề xuất tăng cường truyền thông tại các điểm có đông người lao động phi chính thức để người dân hiểu rằng tham gia BHXH tự nguyện không chỉ là tích lũy cho tuổi già mà còn mang lại quyền lợi cụ thể, trước mắt là trợ cấp thai sản.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Toàn Thắng (công tác tại Học viện Cán bộ TP.HCM) nhấn mạnh việc bổ sung chế độ thai sản không chỉ mang lại thêm quyền lợi thiết thực mà còn là động lực thúc đẩy nữ lao động phi chính thức chủ động tiếp cận an sinh xã hội.
Triển khai nhiều giải pháp nhằm cân đối quỹ
Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết theo ước tính của BHXH Việt Nam, trong điều kiện lý tưởng, phải có khoảng 33 người đóng BHXH tự nguyện thì mới đủ bù chi phí cho một trường hợp hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện hiện vẫn còn rất thấp. Tính đến đầu năm 2025, cả nước mới có khoảng 1,45 triệu người tham gia, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lực lượng lao động.
TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TP.HCM.
Trước lo ngại về áp lực cân đối quỹ, TS Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết ngành BHXH đã có lộ trình và cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, theo Luật BHXH sửa đổi, toàn bộ khoản trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện sẽ do ngân sách nhà nước chi trả, người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào.
Luật cũng quy định người tham gia phải đóng BHXH tự nguyện ít nhất 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng chỉ tham gia để “đón đầu” quyền lợi, đồng thời kiểm soát chặt số người đủ điều kiện thụ hưởng.
Đồng thời, ngành BHXH cũng tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ, tăng cường minh bạch trong công tác chi trả để đảm bảo dòng tiền ổn định trong dài hạn. Cạnh đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu định kỳ đánh giá, dự báo tình hình cân đối quỹ và có cơ chế điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết.
"Nếu được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, BHXH tự nguyện sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, tiến tới khả năng tự cân đối chi phí và đảm bảo công bằng an sinh cho mọi nhóm lao động" - bà Thắng nhấn mạnh.