Từ 10.9, áp dụng quy định mới về nhập khẩu ô tô mục đích phi thương mại
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 45/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 143/2015 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại) có hiệu lực thi hành từ 10/9/2022.
Trong đó, hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện được quy định cụ thể, chi tiết hơn và kèm theo các chế tài xử lý nếu vi phạm về quá thời hạn khai bổ sung xác định giá trị hải quan, vi phạm về bảo quản hàng hóa, thời hạn nộp giấy chứng nhận đăng kiểm...
Trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ thời điểm hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, nếu có đủ cơ sở xác định trị giá do người khai hải quan kê khai là chưa phù hợp với hàng hóa thực tế thì cơ quan hải quan phải xác định trị giá hải quan cho hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định, ban hành Thông báo trị giá hải quan.
Trường hợp người khai hải quan đủ điều kiện để được đưa hàng về bảo quản theo quy định thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, Chi cục Hải quan phải theo dõi kiểm tra. Khi có kết quả đăng kiểm phương tiện, Chi cục Hải quan yêu cầu người kê khai hải quan thực hiện khai bổ sung (nếu có) và thông quan hàng hóa theo quy định.
Nếu quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan không tiến hành tiếp thủ tục hoặc cơ quan hải quan có thông tin về việc người khai hải quan không chấp hành quy định về bảo quản hàng hóa thì Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện kiểm tra việc mang hàng về bảo quản, nếu người khai hải quan không lưu giữ xe tại địa điểm đã đăng ký bảo quản thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối tượng áp dụng của Thông tư số 45/2022 là người Việt Nam định cư tại nước ngoài, là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan nhà nước Việt Nam. Thông tư 45/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 10.9.2022.