Từ 15/1, người dân có quyền ghi hình, ghi âm CSGT
Từ ngày 15/1/2020, người dân được quyền ghi hình, ghi âm CSGT theo quy định hình thức giám sát của nhân dân nêu cụ thể trong Thông tư 67/2019 của Bộ Công an.
Thông tư quy định chi tiết về hình thức giám sát Cảnh sát giao thông (CSGT) thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 11 của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng CSGT, thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ chiến sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, so với Thông tư 54/2009, Thông tư mới bổ sung thêm hình thức giám sát phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định rõ, việc giám sát CSGT phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.
Với hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, thì phải ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT).
Theo đại diện đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết qua giám sát, người dân phát hiện những trường hợp cán bộ chiến sĩ vi phạm thì có thể phản ánh và gửi các video clip hoặc hình ảnh về Cục CSGT, phòng CSGT hoặc công an các địa phương, bằng cách đến đưa trực tiếp hoặc qua cổng thông tin điện tử. Thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân đề nghị biểu dương, khen ngợi hoặc kiến nghị, phản ánh, góp ý phải có trách nhiệm xem xét để khen thưởng hoặc xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.