Từ 15/9, người lao động Hà Tĩnh được hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp
Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ 15/9, người lao động cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng được hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.
Những quy định mới của Nghị định 88/2020/NĐ-CP, ngày 28/7/2020 của Chính phủ hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc có lợi cho người lao động (Ảnh chụp tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh - 2019)
Theo ông Đặng Văn Dũng, Nghị định 88/2020/NĐ-CP, ngày 28/7/2020 của Chính phủ hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020, trong đó có nhiều điểm quy định mới có lợi cho NLĐ.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định, NLĐ bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân NLĐ bị bệnh nghề nghiệp được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ như:
Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi NLĐ chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Hỗ trợ 100% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm NLĐ khám BNN sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Hỗ trợ 100% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLĐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
“Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì Nghị định mới đã nâng mức hỗ trợ chi phí chữa BNN được nâng lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” thay vì chỉ giới hạn là NLĐ bị bệnh nghề nghiệp như trước đây”, ông Đặng Văn Dũng cho hay.
CDC Hà Tĩnh khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động (ảnh tư liệu).
Đối với mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN, ông Đặng Văn Dũng cho rằng, so với quy Nghị định 37/2016/NĐ-CP thì mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN được giới hạn bằng một số tiền cụ thể thay vì khống chế là không quá 10 lần mức lương cơ sở/người như trước. Mức giới hạn mới này phù hợp với lộ trình bỏ quy định về mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ-TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.
Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN mới được quy định tại Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP: Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm NLĐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Cán bộ Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ - Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh hướng dẫn công nhân lao động Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cách sử dụng thiết bị phòng độc hóa học xử lý nước (ảnh tư liệu)
Cũng theo ông Đặng Văn Dũng, một điểm mới nữa của Nghị định 88/2020/NĐ-CP đó là quy định giảm điều kiện hưởng tiền chữa BNN. Nghị định mới đã bỏ điều kiện người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế vì nếu giữ thì nhiều NLĐ không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa BNN do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ.
Theo đó, tại Điều 20 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, quy định NLĐ được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khi có đủ các điều kiện như: đã được chẩn đoán bị BNN tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.
Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, BNN.
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, từ đầu năm đến hết tháng 7/2020, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức 131 lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho 9.723 người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn và người lao động.
Khám sức khỏe định kỳ cho 12.099 người lao động; tổ chức quan trắc môi trường tại 32 cơ sở, doanh nghiệp; tổ chức 18 đợt phát động phong trào thi đua về ATVSLĐ với sự tham gia của 2.320 người; tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành và từng ngành về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và công tác an toàn vệ sinh lao động.