Từ 2025, Cảnh sát giao thông được làm gì khi có tai nạn giao thông?

Khi có ùn tắc giao thông hay tai nạn giao thông, Cảnh sát giao thông được giao các nhiệm vụ như xác định nguyên nhân, báo cáo chỉ huy hay phân luồng giao thông...

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 69/2024 quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Theo đó, Thông tư này chính thức có hiệu lực từ 1-1-2025.

Theo Thông tư 69/2024 khi có ùn tắc giao thông hay tai nạn giao thông, Cảnh sát giao thông được giao các nhiệm vụ như xác định nguyên nhân, báo cáo chỉ huy hay phân luồng giao thông...

Cụ thể, tại Điều 17 quy định giải quyết các vụ ùn tắc giao thông đường bộ như sau:

Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải nắm vững phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên các nút, tuyến giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi xảy ra ùn tắc giao thông không nghiêm trọng tại nút, tuyến giao thông phải căn cứ tình hình thực tế và phương án phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông để phân luồng, phân tuyến, tách dòng phương tiện, tiến hành cho phép lưu thông, cấm lưu thông các chiều đường cho phù hợp. Trường hợp vượt quá khả năng, không tự giải quyết được thì phải báo cáo ngay chỉ huy đơn vị biết để tăng cường lực lượng, phân luồng từ xa, giải quyết kịp thời không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài.

Khi xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng có liên quan đến nhiều nút, tuyến giao thông hoặc khu vực phải thực hiện như sau: Nhanh chóng xác định nguyên nhân, địa điểm, thời gian và mức độ ùn tắc giao thông; Báo cáo ngay chỉ huy đơn vị để chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, nắn dòng phương tiện cho phù hợp, phân luồng từ xa theo phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông.

Khi xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và trên diện rộng, liên quan đến các địa phương lân cận, liên tuyến thì thực hiện như sau:

Trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh và thông báo trực tiếp cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh lân cận có liên quan đến ùn tắc giao thông, để bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp phân luồng, phân tuyến từ xa, không để cho các phương tiện đi vào khu vực xảy ra ùn tắc giao thông. Đồng thời, báo cáo Cục Cảnh sát giao thông để thống nhất chỉ đạo;

Trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc do Phòng Hướng dẫn công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông quản lý thì Phòng Hướng dẫn công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt có trách nhiệm báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông để thống nhất chỉ đạo và phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an cấp tỉnh có liên quan để giải quyết ùn tắc giao thông theo quy định.

Khi xảy ùn tắc giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông phải phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trật tự, an toàn giao thông, biện pháp phân luồng của lực lượng Cảnh sát giao thông cho người tham gia giao thông biết, lựa chọn thời gian, lộ trình di chuyển phù hợp.

Đối với các nút, tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông phải tiến hành khảo sát, đánh giá, xác định quy luật, nguyên nhân của ùn tắc giao thông để đưa ra các biện pháp khắc phục ùn tắc giao thông theo thẩm quyền; kiến nghị với các cơ quan chức năng khắc phục các nguyên nhân về tổ chức giao thông.

Điều 18 quy định chỉ huy, điều khiển giao thông khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ

Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải báo cáo ngay chỉ huy đơn vị trực tiếp của mình, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Bộ Công an về phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Trường hợp vụ tai nạn giao thông không thuộc thẩm quyền thì Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải thông báo cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để giải quyết; khi đơn vị chức năng đến giải quyết, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có trách nhiệm trao đổi tình hình, bàn giao công việc đã thực hiện và phối hợp giải quyết vụ việc (nếu có yêu cầu) theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.

Triển khai việc bố trí lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến bảo đảm không xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn hoặc kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông do tai nạn gây ra.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-2025-canh-sat-giao-thong-duoc-lam-gi-khi-co-tai-nan-giao-thong-post820995.html