Từ 25-12: Khi nào Chủ tịch phường được ra quyết định cấm tiếp xúc người có hành vi bạo lực gia đình?
Nghị định 76/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 25-12 quy định về nguyên tắc cấm tiếp xúc người bị bạo lực gia đình, các trường hợp đề nghị cấm tiếp xúc, cơ quan ban hành quyết định cấm tiếp xúc…
Theo Nghị định 76/2023, việc cấm tiếp xúc đối với người bị bạo lực gia đình nhằm bảo đảm lợi ích của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người đang điều trị bệnh. Phải thông báo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho người bị bạo lực gia đình trước khi quyết định cấm tiếp xúc.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp đề nghị cấm tiếp xúc người có hành vi bạo lực gia đình gồm:
Chủ tịch UBND cấp xã tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc theo quy định; Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Việc đề nghị phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.
Người đang thực hiện quyết định cấm tiếp xúc khi cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì được tiếp xúc trong trường hợp: Gia đình có việc cưới, việc tang; Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng cần chăm sóc; Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 18 Nghị định 76/2023/NĐ-CP được xác định là vi phạm quyết định cấm tiếp xúc khi vi phạm một trong các trường hợp: Đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 100m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn; Không đến gần người bị bạo lực nhưng sử dụng điện thoại, thư điện tử hoặc phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình với người không được tiếp xúc.
Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, Nghị định 76/2023 còn quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng giữa người đã ly hôn hoặc đối với người chung sống như vợ chồng;
Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi;
Bảo vệ, giữ bí mật thông tin khi tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình...