Từ 26/8: Người lao động Australia được quyền ngắt kết nối với sếp sau giờ làm việc

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong Đạo luật Công bằng Lao động, có hiệu lực từ ngày 26/8/2024 tại Australia. Động lực để lãnh đạo đảng Xanh Adam Bandt đề xuất luật về quyền ngắt kết nối là để bảo vệ sức khỏe của người lao động trong thời công nghệ phát triển, bãi bỏ văn hóa 'luôn trực tuyến'.

Xóa bỏ văn hóa "luôn trực tuyến"

Theo quy định mới, người lao động Australia có quyền ngắt kết nối với lãnh đạo của mình sau giờ làm việc. Luật này không cấm người lãnh đạo liên lạc với nhân viên của mình nhưng người lao động có quyền từ chối không phản hồi hoặc liên lạc với sếp ngoài giờ làm việc mà không cần bất kỳ lý do nào. Quy định này áp dụng với đơn vị có từ 15 người lao động trở lên.

Theo báo cáo của The Australia Institute, 79% người lao động toàn thời gian đã làm việc ngoài giờ quy định. Lý do phổ biến nhất khiến người lao động phải làm thêm giờ là do khối lượng công việc của họ quá nhiều.

Ngoài ra, nghiên cứu vào tháng 9/2023 cho thấy, trung bình một người lao động Australia phải làm thêm 5,4 giờ/tuần so với quy định trong hợp đồng, tương đương với 281 giờ/năm mà không được trả lương.

Việc xâm phạm vào thời gian cá nhân của nhân viên khiến mỗi người lao động mất trung bình 11.055 AUD/năm. Điều này không chỉ kéo dài thời gian làm việc của người lao động Australia mà còn khiến họ bị thiệt hại khoảng 130 tỷ AUD/năm.

Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, việc làm ngoài giờ quy định còn gây ra những lo ngại về sức khỏe và phúc lợi của người lao động, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động.

Luật về quyền ngắt kết nối giúp người lao động giảm sức ép công việc

Luật về quyền ngắt kết nối giúp người lao động giảm sức ép công việc

Sự phát triển của các thiết bị kỹ thuật số, bao gồm: điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng và đồng hồ thông minh, dẫn tới sự gia tăng của các hình thức làm việc linh hoạt. Sau đại dịch Covid-19, mặc dù hình thức làm việc này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng góp phần thúc đẩy văn hóa "luôn trực tuyến".

Văn hóa tại nơi làm việc này đã được chỉ ra là có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động theo nhiều cách khác nhau, bao gồm gây ra chứng đau đầu, mỏi mắt, mất ngủ, đau lưng, lo lắng và kiệt sức. Vì vậy, sự ra đời của quy định mới đặt ra ranh giới cần thiết trong bối cảnh thế giới siêu kết nối.

Hiện nay, có 25 quốc gia có quy định tương tự để bảo vệ người lao động. Luật về quyền ngắt kết nối lần đầu tiên được đưa ra tại Pháp vào năm 2017.

Cụ thể, luật quy định các công ty có từ 50 lao động trở lên phải thỏa thuận với nhân viên về quyền không sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác sau giờ làm việc. Sau một thời gian thực hiện quy định này, sức khỏe của người lao động đã được cải thiện rõ rệt.

Tôn trọng thời gian nghỉ ngơi của người lao động

Nghiên cứu từ Viện Nhân sự Australia cho thấy, 64% chủ doanh nghiệp tin rằng luật hoặc chính sách cho nhân viên có quyền ngắt kết nối sẽ có tác động tích cực đến khả năng làm việc linh hoạt của họ.

Luật về quyền ngắt kết nối ở Australia

Luật về quyền ngắt kết nối ở Australia

Luật mới sẽ không hạn chế người quản lý liên lạc với nhân viên bất cứ khi nào họ muốn nhưng luật sẽ trao cho người lao động quyền từ chối theo dõi, đọc hoặc trả lời các thông tin liên lạc từ người sử dụng lao động hoặc bên thứ ba được thực hiện ngoài giờ làm việc, trừ khi việc từ chối là không hợp lý.

Nếu một nhân viên chọn không trả lời, hành động kỷ luật không được phép thực hiện, cũng như nhân viên đó không thể bị đối xử khác đi. Theo luật mới, người lao động có thể khiếu nại lên Ủy ban Công bằng Lao động để không bị quấy rối sau giờ làm việc và người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền hoặc đối mặt với việc bị xử lý hình sự nếu họ tiếp tục liên lạc với người lao động một cách vô lý.

Luật về quyền ngắt kết nối sẽ đặt ra yêu cầu mới đối với các nhà quản lý về việc tạo ra một văn hóa làm việc mà ở đó, nhân viên cảm thấy thoải mái khi ngắt kết nối khỏi công việc.

Là một sáng kiến nhằm hỗ trợ cải thiện sức khỏe, cân bằng giữa công việc với cuộc sống của người lao động, ranh giới rõ ràng hơn giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi là rất quan trọng. Thời gian nghỉ ngơi của người lao động cần được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Nguồn: startupdaily.net

Ngự Bình

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-26-8-nguoi-lao-dong-australia-duoc-quyen-ngat-ket-noi-voi-sep-sau-gio-lam-viec-2024082613510187.htm