Từ 99 nguyện vọng xét tuyển, nghĩ về 1 ước mơ của người trẻ
Ngay trong ngày 11-5-2021 đã có thí sinh đăng kí tới 99 nguyện vọng xét tuyển đại học. Một con số kỉ lục khiến nhiều người lo ngại về số lượng nguyện vọng ảo trong kì tuyển sinh này cũng như sự rủi ro trong cách đăng kí tuyển sinh ở kì thi 2 trong 1.
Nhưng, điều mà người viết muốn nói tới trong bài viết này là đằng sau con số 99 đó là câu chuyện của một ước mơ, một khái niệm tưởng như chẳng nằm trong một môn học, một tiêu chí tuyển sinh nào nhưng lại quyết định đến thành công của một con người. Liệu có ước mơ nào trong 99 cơ hội ấy hay bạn trẻ này cần đến 99 cơ hội để thực hiện ước mơ không lỡ hẹn với năm học mới ở một trường đại học nào đó.
Tôi nhớ cách đây nhiều năm, vợ chồng người hàng xóm của tôi sinh được duy nhất một cậu con trai. Vì thấy cậu này mải mê các trò chơi điện tử, nên bố mẹ cho cậu về quê ở với bà ngoại với hy vọng sẽ cải thiện được ý thức học tập. Nhưng điều bất ngờ là, sau khi học hết bậc trung học cơ sở và trở lại thành phố học, cậu ta không hề mặn mà với bất kì môn học nào để có thể hướng đến khối A,B,C,D… như các bạn cùng lớp mà chỉ có nguyện vọng học nấu ăn.
Sau rất nhiều cuộc tranh luận thì cuối cùng cha mẹ cậu cũng phải chấp nhận cái nguyện vọng chẳng phải thấp thỏm lo âu vì nào phải cạnh tranh với ai. Năm tháng qua đi và giờ đây cậu ta đã trở thành một đầu bếp có thu nhập và có một gia đình hạnh phúc. Cậu thanh niên trong câu chuyện này biết mình, biết người, khiêm tốn chọn cách hướng nghiệp đúng đắn hay đơn giản chỉ nghĩ là làm sao thực hiện ước mơ của mình?
Trong thực tế, đã có không ít bạn trẻ học giỏi, có công việc tốt và thu nhập cao ở thành phố bỗng một ngày quyết định trở về nông thôn để khởi nghiệp, như: Chị Vi Thùy Dương (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã từ bỏ công việc ở tổ chức phi chính phủ ChildFundham để về quê tham gia chương trình "OCOP – Mỗi xã phường 1 sản phẩm" với sản phẩm tinh dầu sả; chị Bùi Thị Duyên (thôn 2 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã bỏ công việc có thu nhập cao ở Singapore để về quê gây dựng “Gota farm” - mô hình nông nghiệp bền vững, cung ứng, chế biến, thương mại cây gia vị, dược liệu; Bỏ công việc làm lễ tân trong phòng chờ hạng thương gia của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, anh Nguyễn Thanh Huy hiện đang là chủ cơ sở chuyên bán tôm hùm tại TP Hồ Chí Minh…
Thậm chí, người trẻ bỏ công việc thu nhập cao để rẽ sang con đường khác chỉ vì đam mê như: Kiều Cao Dũng từ bỏ công việc hàng nghìn USD mỗi tháng để theo học nghệ thuật làm hoa bất tử của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu - người được coi là ông Tổ của nghề hoa khô ở Việt Nam; Lê Tường từ bỏ công việc văn phòng ở công ty nước ngoài để khởi nghiệp với xe cổ, hoa giấy nghệ thuật dạo phố Sài Gòn… Có lẽ, chính những tri thức mà họ được học, những trải nghiệm mà họ có được khi làm ở các công ty, tập đoàn đã giúp các bạn trẻ có một nhận thức khác, thôi thúc họ dũng cảm chọn hướng đi cho riêng mình.
Lập nghiệp, phải chăng là câu chuyện tìm ra công việc dành cho mình. Câu hỏi đặt ra với mỗi người là mình sinh ra để kế nghiệp, trở thành một chi tiết trong một bộ máy định sẵn hay sẽ khai mở một lĩnh vực mới. “Vua công nghệ” Bill Gates, từng bỏ học tại Đại học Harvard đã có một câu nói: "Tôi đã học mọi thứ nhưng chưa bao giờ đứng đầu. Nhưng ngày nay, những người đứng đầu của các trường đại học tốt nhất là nhân viên của tôi".
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai cũng có chia sẻ khá tương đồng: “Tôi không có bằng đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp đại học loại xuất sắc…”. Khá nhiều tỉ phú không có một thứ mà rất nhiều người trẻ mơ ước, đó là tấm bằng đại học nhưng rồi chính sự thành công của họ trở thành mơ ước cho rất nhiều người trẻ hôm nay. Giữa ước mơ và cơ hội học tập có sự phụ thuộc như thế nào, điều gì mang yếu tố quyết định đến sự thành bại trong con đường lập nghiệp của chúng ta?
Con số 3.508.718 nguyện vọng trên tổng số 1.014.972 thí sinh đăng kí dự thi trong ngày 11-5-2021 nói với chúng ta điều gì? Câu trả lời có thể có sau 4 - 5 năm hoặc phải lâu hơn nữa. Nhưng ngày từ hôm nay, chúng ta có thể rút ra những điều suy ngẫm thú vị từ câu chuyện này:
1. Lập nghiệp hiển nhiên luôn gắn với ước mơ đổi đời của mỗi người trẻ hay chính bản thân họ mới là người quyết định được số phận của mình? Từ truyền thống khoa cử Nho giáo trong “Tam tự kinh” đã dạy con người ta “Ấu bất học, lão hà vi”. Còn trong cuộc sống hiện đại, học không chỉ để tìm kiếm việc làm có thu nhập mà còn là cơ hội tiếp cận với những nền kinh tế, công nghệ và văn hóa. Vị trí làm việc làm, vị thế văn hóa hóa là cơ hội tiếp cận văn hóa.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã thăm Đại học Việt - Nhật (ngày 19-10-2020) từng phát biểu: “Đồng thời, nguồn nhân lực trẻ và tràn đầy năng lượng từ các nước ASEAN đến Nhật Bản như thực tập sinh kỹ năng đang trở nên vô cùng cần thiết đối với cuộc sống của người Nhật và nền kinh tế của Nhật Bản hiện nay". Cơ hội luôn mở ra với họ, tự họ tạo ra xu thế phát triển trong xã hội. Không có ngành học nào, trường học nào tạo ra được người kĩ sư, cử nhân đúng nghĩa nếu như chính người học không nắm bắt cơ hội học tập.
2. Người trẻ cần chọn ngành học để thực hiện ước mơ, nhưng mỗi người cần phải tìm ra ước mơ riêng cho mình, phải khám phá kiếm tìm để tiến gần đến ước mơ ấy. Trong 4 trụ cột giáo dục của UNESCO: "Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình". Trong xu thế phát triển của “Giáo dục khai phóng” thì “học để khẳng định mình" mở ra cơ hội để cá nhân tự lựa chọn, tự khẳng định chứ không phải một phong trào chạy theo thị hiếu ngành nghề. Chính cái riêng ấy tạo ra sự khác biệt. Bởi, thị trường lao động cần người có tay nghề, có năng lực đặc biệt ở từng vị trí. Hay nói cách khác, nhu cầu của xã hội sẽ tìm đến ước mơ của bạn.
3. Ước mơ bao giờ cũng là một khái niệm lớn hơn sự học, là khởi nguồn của mọi sáng tạo. Phải chăng 1.093 phát minh của nhà khoa học Thomas Edison hay gần hơn nữa là 11 phát minh của người Việt Nam làm rạng danh dân tộc như: Phát minh ra máy ATM; Công nghệ nano giúp làm sạch nước; Tạo tế bào gốc từ màng cuống rốn; Phát minh dập lửa bằng sóng âm thanh… cũng chính là chừng ấy giấc mơ của họ. Tất cả những bộ óc siêu việt ấy đều vượt qua sự học, thoát ra khỏi tâm lý lệ thuộc vào những gì đã có để làm thay đổi cuộc sống. Có lẽ, học chỉ là sự khởi đầu, là bàn đạp để chúng ta có được mục tiêu xa hơn chính là ước mơ.
4. Con người sẽ không bao giờ mất đi cơ hội học cho ước mơ của cuộc đời mình. Có thể học sớm, học muộn, học để đem lại những lợi ích khác nhau. Câu chuyện về cụ Lê Phước Thiệt (83 tuổi, ở Đại Lộc, Quảng Nam) là học viên cao học ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Duy Tân nói lên một ước mơ. Đó không phải một sở thích gàn dở, chạy theo hư danh của một con người mà chính là sự học để kích lệ cho người trẻ, tạo ra một xã hội học tập. Khi một xã hội có những đối tượng là người đi làm, người già… cho thấy nhu cầu tiếp thu trí thức, văn hóa, nắm bắt kĩ năng, tạo ra sự vững mạnh cho một trong ba yếu tố của giáo dục: Nhà trường - gia đình - xã hội. Phải chăng, khi bạn học cho một ước mơ từ tuổi trẻ (không có cơ hội thực hiện) cũng chính là bạn đang gợi mở ra một mơ ước cho những người khác.
Ước mơ và cơ hội có khi đồng điệu, có khi khác biệt. Nhiều khi cơ hội mở ra làm chúng ta từ bỏ ước mơ của mình và thành công. Bởi lẽ đó, tất cả sự lựa chọn phụ thuộc vào sự hiểu biết, bản lĩnh văn hóa và khát vọng sống của mỗi con người.