Từ 'ăn rừng' đến xây làng du lịch sinh thái hoa anh đào
Bản làng của người Ba Na ở bên vách đá Thành Tà Kơn niên đại 1,8 đến 2 triệu năm (thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trước đây vốn sống biệt lập, nhưng nay đã vươn mình trở thành vùng đất đầy tiềm năng của nông nghiệp - du lịch sinh thái. Từ lối sống 'ăn rừng' đến phát rẫy làm nương… đến nay, bà con dần chuyển qua gìn giữ bản sắc và trồng nhiều hoa, rau sạch làm du lịch sinh thái.
Xây dựng "xứ sở hoa anh đào" thu nhỏ
Trong trí nhớ của ông Đinh Văn Anham (ở thôn K3, xã Vĩnh Sơn), hoa đào bắt đầu có mặt ở đồi núi Vĩnh Sơn vào khoảng năm 2016. Lúc ấy, ông Anham cùng nhiều hộ dân ở Vĩnh Sơn được lựa chọn tiên phong trồng thí điểm trên 1ha hoa ôn đới, như: hoa đào Đà Lạt, mai anh đào, hoa đào Bắc, cẩm tú cầu, dã quỳ…
Đến năm 2019, bắt nguồn từ mối duyên với ông Kato Hirosuke, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, tỉnh Bình Định đã nhập 200 cây anh đào từ Nhật Bản để trồng thí điểm ở Vĩnh Sơn. Sau thử nghiệm thành công, đến cuối năm 2020, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án trồng hoa anh đào Nhật Bản, mai anh đào và phượng tím để hình thành “thủ phủ” hoa Vĩnh Sơn.
Dự án sẽ triển khai trồng 1.000 cây giống hoa anh đào Nhật Bản, với các dòng giống như: Oshimasakura, Kanhizakura, Kawazusakura… Dự án cũng lồng ghép trồng thêm các loài hoa anh đào Đà Lạt, đào Nhật Tân, phượng tím. Phía Hội Hữu nghị Nhật – Việt cũng cam kết hỗ trợ Bình Định khoảng 10.000 cây hoa anh đào Nhật Bản để nhân bản tại khu sinh thái Vĩnh Sơn.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, đơn vị được giao đảm nhận dự án trồng các loài hoa anh đào tại Vĩnh Sơn, kể rằng: Các chuyên gia nông nghiệp ở Nhật Bản đã đến Vĩnh Sơn để hỗ trợ, qua khảo sát, chuyên gia Nhật Bản đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi để nhân bản giống hoa anh đào Nhật. Từ đây, tỉnh Bình Định mới bắt đầu nhân giống thử nghiệm đến triển khai trồng hoa anh đào Nhật ở Vĩnh Sơn.
“Hiện, chúng tôi đã trồng 2.000 cây hoa anh đào các loại ở Vĩnh Sơn, trong đó có 500 cây hoa anh đào Nhật Bản, 300 cây hoa đào Bắc, 1.200 cây hoa đào Đà Lạt. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, các loài hoa đào trong nước trồng ở Vĩnh Sơn đều nở hoa rất đẹp, còn hoa anh đào Nhật Bản thì đang trong thời kỳ sinh trưởng, thích nghi để nở hoa. Qua theo dõi, 500 cây hoa anh đào Nhật Bản trồng ở Vĩnh Sơn đã bám đất được 5 năm, hầu hết sinh trưởng khá tốt, nhưng cần đủ thời gian thích nghi khoảng 10-15 năm mới cho hoa”, ông Đạo nói.
Biến đất khó “nở hoa”
Từ việc nhân bản các loài hoa đào ở trong nước và Nhật Bản, đến mùa xuân năm nay, dưới những nếp nhà của bà con đồng bào Ba Na đã thấy phấp phới màu hoa đào đỏ rực. Hộ ông Đinh Sớ (thôn K3, xã Vĩnh Sơn) cũng tiên phong trồng hoa anh đào hướng đến xây dựng homestay đón khách du lịch. Những ngày tết, hoa đào ở vườn ông Sớ nở đỏ, nhiều vị khách ở miền xuôi và giới trẻ đến tham quan, chụp ảnh khiến không khí xóm làng núi cao thêm tươi vui.
Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết, dân số xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 3.700 người, chủ yếu là đồng bào Ba Na. Bà con nơi đây đang gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa, như: đan lát, cồng chiêng, thêu thùa và các loại hình nhạc cụ, múa, hát. Mấy năm trở lại đây nhờ phong trào trồng hoa đào, trồng rau sinh thái, nhiều hộ dân trong làng bắt đầu hướng đến mở homestay làm du lịch sinh thái. Nhiều vườn hoa anh đào của các hộ dân phát triển rất tốt, nở hoa đẹp...
Ông Tô Hiếu Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tự hào kể, xã Vĩnh Sơn lâu nay là vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhưng vẫn chưa được khai phá đúng tầm. Không chỉ khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng tươi tốt mà bà con Ba Na – Kriem ở Vĩnh Sơn còn giữ gìn nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, còn sinh hoạt cồng chiêng, múa hát rất sôi nổi; ngoài ra, nơi đây còn có nhiều ẩm thực ngon, đặc trưng như: cá niên, heo đen, cơm lam, đọt mây, gà nướng… Quanh khu vực sinh sống, còn có nhiều di tích như: Thành Tà Kơn, vườn cam Nguyễn Huệ, suối La Pin…
“Sau khi đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi sẽ bắt đầu tổ chức ngày hội hoa anh đào ở Vĩnh Sơn (ngày 8, 9-2) để phục vụ người dân, du khách vui xuân. Chúng tôi sẽ phấn đấu đưa Vĩnh Sơn trở thành khu du lịch sinh thái đặc trưng, hút khách của Bình Định. Trước mắt, địa phương sẽ cập nhật lại các bản sắc văn hóa, đặc sản, di tích địa phương để lồng ghép vào các tour tuyến du lịch trải nghiệm phục vụ người dân, du khách”, ông Tô Hiếu Trung chia sẻ.