Từ bản xuống phố: Làn sóng di cư mới
Ngày càng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đổ về các đô thị, khu công nghiệp. Làn sóng di cư mới này đem lại nhiều đổi thay cho chính họ và bản làng theo hướng cả tích cực và tiêu cực.
Trong một khu chợ cạnh khu công nghiệp (KCN), nhiều phụ nữ Thái búi tằng cẩu đi chợ, cạnh đó vài anh nói tiếng Mông ngồi uống bia, cà phê tán dóc sau giờ tan ca.
Một tháng lương bằng cả năm trồng lúa
Ngày đầu tháng 3, mưa rả rích, trong căn nhà trọ hơn chục mét vuông gần KCN Đình Trám (huyện Việt Yên, Bắc Giang), Quàng Thị Lan, người dân tộc Thái, đang quây quần bên mâm cơm với mấy đứa em cùng quê. Lan sinh ra, lớn lên ở một bản vùng cao khó khăn của xã Mường Lầm, Sông Mã, Sơn La. Nhà chỉ có ít đất trồng lúa, làm nương ngô nên gia đình vẫn có bữa thiếu cơm. Một ngày, trên mâm cơm, bố nói với mấy chị em Lan: “Cái Lan lớn rồi, ruộng nương không đẻ thêm nên phải tìm đường đi làm ăn”.
Lan rời khỏi nhà lúc chiều muộn hôm ấy, khi ở tuổi 19. Khi đi, cô ngoảnh lại nhìn căn nhà sàn nằm chênh vênh bên núi, vẫy tay chào các em mà rơi nước mắt. Lan men theo con đường đất uốn quanh đồi để ra đường lớn, bắt xe ô tô về thành phố. Sau một đêm, Lan đã ở TP Bắc Ninh - nơi cô chưa từng một lần đến.
Công việc đầu tiên mà cô gái người Thái này có được là làm công nhân trong một nhà máy tái chế giấy ở phường Phong Khê, TP Bắc Ninh. Nhưng chỉ được 5 ngày, Lan phải bỏ việc vì mùi hóa chất nồng nặc. Nhờ người quen giới thiệu, Lan đến KCN Đình Trám, Bắc Giang tìm việc và làm công nhân trong một công ty tại đây. “Làm được một thời gian em lại chuyển đến các KCN ở tỉnh Bắc Ninh, rồi sang tỉnh Vĩnh Phúc tìm việc. Cuối cùng, em lại quay về KCN Đình Trám” - Lan tâm sự.
Dù cuộc sống chưa ổn định nhưng việc kiếm tiền ở đây vẫn dễ dàng hơn rất nhiều so với ở nhà. “Lương cơ bản của em khoảng 4 triệu đồng, cộng với tiền tăng ca và tiền thưởng cũng được chục triệu đồng/tháng. Tiền lương thưởng làm một tháng ở đây bằng cả nhà em làm lúa, ngô trong một năm ở bản” - người phụ nữ Thái này nhẩm tính.
Trong bản của mình, Lan trở thành người có thâm niên nhất đi làm xa, nên cô thấu hiểu được những thiệt thòi, vất vả khi xa nhà kiếm tiền. “Sự khác biệt về văn hóa, nhất là có những ánh mắt dò xét khiến em lúc đầu ấm ức. Có người từng to nhỏ, người dân tộc thế này thế kia khiến em chạnh lòng, nhưng cũng không dám nói ra vì thân phận nơi đất khách quê người. Nhiều lao động người dân tộc như em luôn có cảm giác thu mình, đề phòng khi ở thành phố làm việc” - Lan thổ lộ.
Lan kể, con gái Thái có phong tục truyền thống là đi lấy chồng thì phải búi tóc trên đầu (tằng cẩu). Nhưng khi xuống các KCN tìm việc, có công ty lúc tuyển dụng vào làm yêu cầu không được quấn tóc trên đầu nên cô đành xin việc ở công ty khác. Rồi có lần làm việc tại một KCN ở Vĩnh Phúc, Lan và một số bạn cùng ở Sơn La đi làm về bị một số thanh niên miền xuôi chọc ghẹo, đánh những bạn nam cùng đi. “Không chỉ có vậy, nhiều cám dỗ và các tệ nạn xã hội khác luôn bủa vây những người dân tộc như chúng em. Nếu ai không vững tâm dễ bị sa ngã” - Lan tâm sự.
Nhưng những khó khăn ban đầu, những bất trắc của cuộc sống thành thị không ngăn cản được mục tiêu kiếm tiền nuôi gia đình. Từ nhiều năm qua, số tiền lương của Lan trở thành nguồn thu chính để duy trì cuộc sống hằng ngày của gia đình cô ở bản. Cũng bởi thế mà cuộc phiêu lưu của người phụ nữ Thái này ở các KCN chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Chỉ biết, từ ngày rời khỏi bản làng đi xuống thành phố cho đến nay, Lan đã có 7 năm đằng đẵng xa gia đình.
Kéo nhau rời bản
Nhìn sang các cậu em cùng bản đang ăn cơm trong phòng, Lan nhớ lại, cách đây 7 năm, trong bản chỉ có một vài người ra đi giống cô. Số tiền mà Lan kiếm được từ làm công nhân nhiều hơn sự tưởng tượng của người trên đỉnh núi. Điều đó có sức hút mạnh mẽ để thôi thúc những thanh niên trong bản. Trong bản, trong xã kháo nhau rồi đám thanh niên rủ nhau tạm biệt bản làng tìm đường về xuôi. “Số tiền em có được từ làm công nhân không chỉ nuôi được gia đình mà còn tích lũy được một phần để làm nhà mới. Bởi vậy, nhiều người trong bản liên hệ với em để xuống KCN tìm việc làm” - Lan cho biết.
Lan nhẩm tính, từ năm ngoái đến nay, chỉ riêng anh em bên phía nhà chồng cô ở trong các bản thuộc xã Mường Bám, Thuận Châu, Sơn La có hơn chục người đến KCN Đình Trám. Tất cả đều do vợ chồng Lan giới thiệu xuống. Còn cả xã Mường Bám số người lao động kéo xuống các thành phố và KCN để làm việc nhiều hơn gấp chục lần. Lan nói, việc các thanh niên quê cô về xuôi làm công nhân diễn ra mạnh nhất từ khoảng 3 năm lại đây.
Ông Thân Đức Thí, Phó trưởng thôn My Điền 1 (xã Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang), đồng thời là chủ nhà trọ nơi Lan và anh em cùng bản thuê nhà ở, cảm nhận rõ sự thay đổi trên. Ông Thí cho biết, nhà ông có 13 phòng trọ. Ba năm trước, công nhân thuê trọ nhà ông chủ yếu là lao động các tỉnh miền xuôi. Nhưng từ năm 2017 trở lại đây, đa số người ở trọ là người dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. “Có thời điểm, 70% công nhân thuê trọ nhà tôi là người dân tộc ở các tỉnh miền núi” - ông Thí nói.
Theo khảo sát của ông Thí và cán bộ trong thôn vào năm 2019, thôn có khoảng 5.000 công nhân làm việc trong các KCN Đình Trám và Vân Trung (cạnh KCN Đình Trám) đến thuê trọ. Trong đó, người dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 3.000 người (chiếm 60% tổng số công nhân thuê trọ trong thôn). Số nhân khẩu của thôn là khoảng 2.500 người.
Số liệu thống kê của UBND xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho thấy, toàn xã có khoảng 2.000 phòng trọ do lao động người dân tộc thuê, với khoảng 5.000 - 6.000 người, chiếm khoảng 1/3 tổng số công nhân đang sinh sống ở xã này. “Trong các xóm trọ ở thôn My Điền hay trên những con đường vào các nhà máy trong các KCN gần xã thấp thoáng những mái tóc tằng cẩu của người Thái, những bộ váy áo hoa truyền thống của người Mông, Thái, Tày hằng ngày” - ông Thí nói.
PS.TS Trần Bình (giảng viên cao cấp Đại học Văn hóa) nhìn nhận: Hiện tượng người lao động dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc về thành phố, hoặc các tỉnh miền xuôi để làm việc trong các doanh nghiệp, xí nghiệp diễn ra rầm rộ trong thập niên gần đây. Có hiện tượng này là do lao động nông nghiệp miền núi quá vất vả, thu nhập rất thấp, bấp bênh. Đây cũng là một diễn biến mới của nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(Còn tiếp)
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tu-ban-xuong-pho-lan-song-di-cu-moi-1621465.tpo