Từ bao giờ chúng ta biết mình là những cá thể cô đơn?
Mỗi ngày, chúng ta cười với cuộc sống, nhưng sâu thẳm bên trong, có những rỉ sét, vụn vỡ không biết tỏ cùng ai.
Cựu bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Vivek Murthy từng chia sẻ rằng bệnh lý phổ biến nhất mà ông từng thấy trong những năm phục vụ trong ngành y không phải là tim hay tiểu đường, mà là sự cô đơn.
Cách đây gần 5 thế kỷ, con người đã cố gắng định nghĩa căn bệnh khiến chúng ta buồn bã.
Bài thơ đầu tiên về cảm giác cô đơn
Trong cuốn A Biography of Loneliness: The History of an Emotion, nhà sử học người Anh Fay Bound Alberti định nghĩa cô đơn là cảm giác, nhận thức về sự ghẻ lạnh hoặc tách biệt xã hội khỏi những người khác.
The Conversation tin tưởng vào giả thuyết từ cuối thế kỷ 16, nhân loại đã bắt đầu nhận ra những nguy hiểm của căn bệnh cô đơn và tìm cách hiểu về nó.
Nước Anh thời cận đại, những khu rừng, ngọn núi xa xôi không dấu chân người lui tới khơi dậy nỗi sợ hãi và một không gian đơn độc ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Các không gian văn chương như địa ngục, nghĩa địa, sa mạc… đều là ám chỉ của sự cô đơn.
Đến thế kỷ 17, những từ như “loneliness”, “lonely” xuất hiện trong các trang tiểu thuyết, thơ ca… Năm 1674, nhà tự nhiên học John Ray đã biên soạn bảng chú giải chi tiết về các từ ngữ không được sử dụng thường xuyên. Trong đó, “cô đơn” được mô tả các địa điểm và người dân “xa cách hàng xóm” xung quanh.
Năm 1667, trong bài thơ sử thi Thiên đường đã mất (Paradise Lost), John Milton xây dựng hiện thân văn học đầu tiên của nỗi cô đơn - quỷ Satan. Trên hành trình đến với vườn địa đàng, Satan băng qua vùng đất hoang vu tột cùng - vực thẳm ngăn cách Địa ngục và Trời. Không một dòng miêu tả xúc cảm của Satan khi đó. John Milton chỉ nhấn mạnh không gian và sự đơn độc, lẻ bóng của đại diện ác quỷ.
Những “khuôn mặt” của nỗi cô đơn
Nhà văn Sylvia Plath từng thốt lên rằng: “Chúa ơi, nhưng cuộc sống là sự cô đơn". Mỗi ngày, chúng ta nở nụ cười với tất cả, nỗ lực, vật lộn với những gánh lo. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng tìm thấy một người bạn đủ đồng điệu và thấu cảm để trút hết lo âu, phiền muộn.
Sâu thẳm bên trong mỗi con người là những bóng tối chật chội, tâm hồn rỉ sét, đôi phần xấu xí, vô nghĩa và yếu đuối. Ngày nay, các nhà phê bình gọi cô đơn như “một thứ dịch bệnh”, một căn bệnh thầm lặng của nền văn minh hiện đại.
Nhưng mỗi con người đều có một trải nghiệm cô đơn khác nhau. Rất nhiều trong số đó khó diễn tả được thành lời. Đó là khi Toru Watanabe (Rừng Nauy - Haruki Murakami) vật lộn với cảm xúc trống trải tận sâu bên trong mình. Anh đương đầu những vấn đề của tuổi trẻ ở nơi xa lạ, đắm chìm trong mớ lộn xộn đầy hoang mang, u buồn, bế tắc đến tuyệt vọng.
Hay như hơn 60 nhân vật trong Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez) đều mang 60 hình hài khác nhau của niềm hoang hoải không tỏ được cùng ai.
Và nỗi cô đơn còn hiện diện trong nỗi đau mất mát của George (A Single Man - Christopher Isherwood). Khi người bạn tri kỷ từng 16 năm chung sống với ông qua đời, George không còn tha thiết sống và có ý định tự sát. Đó là giây phút chúng ta nhận ra không còn ai thấu hiểu bản thân mình nữa.
Alice và Mattia trong Nỗi cô đơn của các số nguyên tố (Paolo Giordano) lại là hiện thân của những thế giới lạc lõng, bất an khi con người mất niềm tin, luôn mang trong mình nỗi hoài nghi về tất cả.
Nhà thơ gốc Việt Ocean Vương đã viết: “Nỗi cô đơn vẫn là thời gian ta sống với thế gian”.
Cô đơn là cảm giác không thể mất đi. Nó sẽ luôn tồn tại ở nơi sâu thẳm nhất của con người. Ai rồi cũng sẽ phải trải qua "căn bệnh" này ít nhất một lần trong đời.
Nhưng đừng bao giờ thôi tin tưởng vào hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bởi trái tim còn đập nơi ngực trái sẽ sưởi ấm những tâm hồn cô đơn.