Tự bảo vệ mình

Cứ mỗi khi đời sống gặp ngặt là lừa đảo rộ lên. Đâu cần coi thống kê của ngành an ninh, chỉ nghe alo mỗi ngày cũng biết. Tùm lum thứ cạm bẫy giả danh cơ quan tư pháp, ngân hàng, công ty chứng khoán, bệnh viện, và cả bạn bè - người thân… Ai lớ quớ là dính chấu liền.

- Vậy tức là lừa đảo trực tuyến chỉ nhắm vô những người già, phản ứng chậm, không rành công nghệ?

- Mặc định kiểu đó lạc hậu tình hình rồi. Khúc trước, những mửng lừa chủ yếu mở ra dưới các hình thức kinh doanh đa cấp. Phương thức dụ dỗ là đưa ra các mức lợi nhuận cao, dễ dàng. Ai đó ham lời, chỉ cần chuyển tiền vô các ứng dụng lừa đảo là chết chắc. Nhưng khúc sau này, lừa đảo trực tuyến còn bẫy cả sinh viên, người trẻ, nhân viên văn phòng, trẻ em.

- Hèn gì, những cảnh báo của chuyên gia an ninh mạng, của cơ quan chức năng ngày càng dày. Nhưng lừa đảo nhiều kiểu vậy, làm thế nào để không lớ quớ?

- Đầu tiên hết là phải biết rõ quy định của những tổ chức, doanh nghiệp có liên quan tới tài khoản ngân hàng, đầu tư. Nghe xúi mà hấp tấp làm theo liền là… “tóc gió thôi bay”! Và điều căn bản là phải kiểm chứng thông tin khi liên quan tới tiền bạc. Lừa đảo xảy ra khi người ta hoặc ham lợi, hoặc sợ hãi vì bị hù. Cứ từ từ, giữ bình tĩnh thì sẽ có nhiều cơ may để tự bảo vệ mình.

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-bao-ve-minh-post697028.html