Từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp, nhiều CEO Mỹ chọn đi làm thuê
Ở vị trí nhân viên, nhiều 'cựu' CEO, nhà sáng lập của công ty startup cảm thấy vui vẻ với mức lương cao và trút bớt áp lực. Nhưng một số vẫn nhớ khoảng thời gian khi làm chủ.
"Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi một chút. Thật thư giãn khi có người khác chỉ bảo mình phải làm gì", Mehak Vohra, người sáng lập công ty Jamocha Media và dự án Skillbank, chia sẻ.
Mehak Vohra từng là một gương mặt nổi bật trong giới khởi nghiệp. Cô bỏ học năm 2016, thành lập Jamocha Media, công ty truyền thông và xây dựng thương hiệu cá nhân, sau đó là Skillbank, chương trình đào tạo tiếp thị trực tuyến.
Đến đầu năm nay, sau khi đóng cửa Skillbank, cô quyết định gia nhập công ty công nghệ lớn với vị trí trưởng bộ phận marketing. Đây là lần đầu tiên trong đời Vohra làm nhân viên thay vì làm chủ doanh nghiệp.
Không riêng Vohra, nhiều nhà sáng lập khác cũng đang phải đối mặt với tình cảnh tương tự.
Theo dữ liệu từ Pitchbook, hơn 3.200 công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm đã phá sản trong năm ngoái. Con số này dự kiến sẽ còn cao hơn trong năm nay khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ, Business Insider đưa tin.
Nhân viên hạnh phúc
"Ý tưởng trở thành nhà sáng lập hấp dẫn hơn trước khi bạn thực sự trở thành một nhà sáng lập", Ishita Arora, người sáng lập và CEO của Dayslice, công cụ lập lịch trình cho các doanh nghiệp dịch vụ đã huy động đầu tư được 6 triệu USD, cho biết.
Tháng 12 năm ngoái, nhận thấy công ty không đạt được mức tăng trưởng như các nhà đầu tư mạo hiểm kỳ vọng, Arora đã đóng cửa Dayslice và trả số tiền còn lại cho các nhà đầu tư.
Trở thành 1 trong 50 nhân viên của Instrumentl, nền tảng dành cho các tổ chức phi lợi nhuận, Arora có được chất lượng giấc ngủ tốt hơn và có thêm thời gian để tận hưởng cuối tuần.
"Những bạn bè của tôi khác làm nhà sáng lập đều cảm thấy khổ sở và mong ước được làm nhân viên", Vohra chia sẻ.
Ngoài ra, mức lương với vị trí nhân viên cũng cao hơn đáng kể, ít nhất gấp đôi so với thu nhập của nhà sáng lập, bởi hầu hết tiền lương của họ bị ràng buộc vào cổ phiếu.
"Bây giờ tôi có thể tiết kiệm và tự thưởng cho mình nhiều hơn, ngay cả những điều nhỏ nhặt như đi massage", Vohra nói.
Khi nhớ về cảm giác ở vai trò giám đốc điều hành công ty, Jacek Prus, người đã khởi nghiệp hai công ty thực phẩm bền vững ở San Francisco (California, Mỹ), cho biết anh thấy "thực sự cô đơn".
"Bạn là người duy nhất ở cấp độ đó đưa ra quyết định và mọi người trông chờ vào bạn để đưa ra những quyết định đó", Prus, hiện là giám đốc phát triển cấp cao tại Farmed Animal Funders, tổ chức hợp tác tài trợ phi tập trung, chia sẻ.
Tháng ngày khởi nghiệp đáng nhớ
Không còn phải làm việc cật lực đến sáng sớm và nhận được nhiều đặc quyền khi làm nhân viên, song hầu hết nhà khởi nghiệp đều nhớ guồng quay của cuộc sống cũ và dự định thành lập một công ty khác vào thời điểm thuận lợi.
"Khi bạn đã quen với sự tự chủ, đôi khi làm việc tại một công ty lớn có thể khiến bạn cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp. Trước khi quyết định làm gì đó đều cần sự chấp thuận", Sri Chandrasekar, đối tác quản lý tại Point72 Ventures, cho biết.
Anh cho rằng các "doanh nhân bẩm sinh" sớm muộn sẽ quay trở lại vị trí sáng lập, bởi "họ không muốn làm việc cho ai khác ngoài chính mình".
"Tôi thích xây dựng nên thứ có nhiều người sử dụng và tôi hoàn toàn làm chủ nó. Dù đã phải từ bỏ đam mê này để làm nhân viên ở một công ty khác không mấy thú vị, nhưng tôi đang tận dụng mọi thứ để tích lũy thêm kinh nghiệm", Vohra chia sẻ.
Một nhà khởi nghiệp khác phỏng vấn với Business Insider vẫn giữ lối sống tiết kiệm dù đang tận hưởng mức lương cao gấp ba lần ở vị trí nhân viên.
Anh chia sẻ rằng không muốn bị "mắc kẹt" trong sự an nhàn và vẫn khao khát được tiếp tục hành trình khởi nghiệp, tạo ra những giá trị mới.