Tu bổ, mở rộng một số đoạn mặt đê tả Đáy ở Thanh Liêm

Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở và tu bổ nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy huyện Thanh Liêm từ K88 - K137+516 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1827/QĐ-UBND ngày 30/12/2009 với tổng mức đầu tư 284,696 tỷ đồng. Theo kế hoạch, thời gian thi công và hoàn thành dự án từ năm 2009 - 2011 nhưng đến hết năm 2011 khối lượng thực hiện mới đạt 128,28 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch.

Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở và tu bổ nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy huyện Thanh Liêm từ K88 - K137+516 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1827/QĐ-UBND ngày 30/12/2009 với tổng mức đầu tư 284,696 tỷ đồng. Theo kế hoạch, thời gian thi công và hoàn thành dự án từ năm 2009 - 2011 nhưng đến hết năm 2011 khối lượng thực hiện mới đạt 128,28 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch.

Đến thời điểm này, các hạng mục chưa được đầu tư vì thiếu vốn, cụ thể là: đê đoạn 4 tại Km122 – Km128+015, dài khoảng 6 km từ xã Thanh Tân đến xã Thanh Nghị; đê đoạn 5 từ K128+285 – K134+685, dài 6,4 km và đê đoạn 6 từ K135+863 – K137+516, dài hơn 1,65 km. Do dự án chưa được đầu tư mở rộng, bên cạnh đó ở nhiều vị trí mặt đê xuống cấp đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các phương tiện lưu thông qua khu vực.

Mặt đê tả Đáy ở huyện Thanh Liêm đoạn tiếp giáp giữa 2 xã Thanh Thủy, Thanh Tân xuống cấp chưa được cứng hóa ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Mặt đê tả Đáy ở huyện Thanh Liêm đoạn tiếp giáp giữa 2 xã Thanh Thủy, Thanh Tân xuống cấp chưa được cứng hóa ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, những năm qua ngành chức năng đã tích cực khai thác các nguồn vốn để xây dựng một số đoạn đê nằm trong phạm vi dự án. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư kinh phí láng nhựa và đổ bê tông mặt đường một số đoạn với tổng chiều dài 18,5km/20,8km. Trong đó, năm 2018 cứng hóa hơn 1,65 km mặt đê đoạn 6 từ K135+863 –K137+516; năm 2019 triển khai từ K132+554 – K134+685 chiều dài gần 2,1 km bằng nguồn vốn hỗ trợ ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 (đê đoạn 5). Riêng năm 2019, toàn tuyến thực hiện 11,7 km, năm 2020 là 6,8 km và năm 2020 đã hoàn thiện toàn bộ 3,3 km đê ở xã Thanh Tân. Tuy nhiên, việc bê tông, asphalt do nguồn vốn đầu tư hạn chế, vì vậy dự án triển khai xây dựng theo hiện trạng mặt đê. Trong khi đó, tuyến đê hiện tại ở nhiều khu vực mặt đê nhỏ hẹp, một số đoạn bê tông một bên, đặc biệt đoạn tiếp giáp giữa các xã chưa hoàn thiện mặt đường. Đơn cử như một số đoạn qua các thôn: Tân Hưng, Đức Hòa (Thanh Tân), Trung Thành, Trung Thứ (Thanh Thủy) bề mặt đê rộng từ 3 – 3,5 m, một số vị trí mặt đê đang xuống cấp, nhất là đoạn tiếp giáp giữa xã Thanh Thủy với xã Thanh Tân dài hàng chục m chưa hàn khẩu.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Khánh Phương, xã Thanh Tân cho biết: Là địa bàn sản xuất vật liệu xây dựng nên mật độ phương tiện giao thông tăng, nhưng mặt đê không mở rộng chỉ phù hợp với xe thô sơ, xe ô tô đi một chiều. Nếu xe ô tô đi ngược chiều, lái xe phải tìm điểm dừng đỗ mới bảo đảm an toàn. Rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí để mở rộng mặt đê nhằm đáp ứng yêu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân qua khu vực.

Nhằm bảo đảm đồng bộ tuyến đê kết hợp đường giao thông theo quy hoạch bề mặt đê rộng 8m, thời gian qua Sở NN&PTNT đã báo cáo với HĐND, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để tiếp tục khởi động dự án. Ngày 21/7/2020, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 09/TB-HĐND về việc giao cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để dự án thực hiện trong năm 2021. Trước mắt, UBND tỉnh bố trí 10 tỷ đồng để phục vụ việc giải phóng mặt bằng đoạn qua các xã Thanh Tân, Thanh Nghị; đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Dự án các công trình NN&PTNT Hà Nam (chủ đầu tư) làm việc với UBND huyện Thanh Liêm lập phương án điều chỉnh giải phóng mặt bằng, tổ chức chi trả cho người dân. Được biết, từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, năm nay Bộ NN&PTNT đã bố trí 30 tỷ đồng đầu tư cho dự án chống sạt lở đê tả Đáy trên địa bàn huyện.

Với Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở và tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kéo dài hơn 10 năm qua đến nay chưa hoàn thành, UBND tỉnh đã nhiều lần gia hạn thời gian hợp đồng thi công. Trong khi đó, một số đoạn do địa chất nền đê yếu, mặt đê nhỏ, hẹp, hằng năm ở một số vị trí xảy ra sự cố sạt trượt mái và cơ đê. Đơn cử như ngày 8/6/2020, đoạn từ K130+096 – K130+365 qua địa phận các xã Thanh Nghị, Thanh Hải đã xảy ra hiện tượng nứt dọc ở giữa mặt đê với chiều dài 269 m, chiều rộng từ 1 – 3 cm, độ sâu từ 5 – 25 cm. Cùng với đó, trên tuyến này xuất hiện 5 vết nứt dọc dài 199 m giữa mặt đê, rộng từ 1-2cm, sâu từ 5 – 20 cm. Các sự cố này đã được cơ quan chuyên môn kịp thời xử lý bảo đảm an toàn cho đê.

Tuy nhiên, việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư kinh phí tu bổ, mở rộng mặt đê tại một số đoạn đê tả Đáy huyện Thanh Liêm là rất cấp thiết. Bởi tuyến đê không chỉ góp phần nâng cao khả năng phòng, chống lũ bão, mà kết hợp là đường giao thông kết nối các tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa trong khu vực.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/kinh-te/giao-thong-xay-dung/tu-bo-mo-rong-mot-so-doan-mat-de-ta-day-o-thanh-liem-52389.html