Indonesia chi 14 tỷ USD mua F-15EX cùng phụ tùng thay thế và vũ khí từ Mỹ. Đây được coi là một trong các thương vụ vũ khí lớn nhất hiện nay.
Thương vụ được đề xuất sẽ cải thiện "an ninh của một đối tác quan trọng trong khu vực, động lực cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/2 cho biết trong tuyên bố về thương vụ bán vũ khí cho Indonesia, và nhấn thêm rằng, động thái này "sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực".
Lô vũ khí và thiết bị Mỹ duyệt bán cho Indonesia gồm 36 tiêm kích tân tiến F-15EX, động cơ, linh kiện thay thế và vũ khí kèm theo.
Thương vụ diễn ra sau chuyến đi hồi giữa tháng 12/2021 đến Jakarta của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người khi đó ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Indonesia, dù một số bất đồng từng dẫn đến việc trì hoãn bán vũ khí cho nước này.
"Điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ Indonesia phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ, hiệu quả", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu thêm.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto xác nhận đã ký thỏa thuận quốc phòng với Pháp để mua 42 tiêm kích Rafale và hai tàu ngầm của Pháp trị giá 8,1 tỷ USD.
Việc mua chiến đấu cơ Rafale Pháp và F-15EX của Mỹ diễn ra sau khi Indonesia bất ngờ hủy kèo thương vụ mua Su-35 của Nga.
Indonesia thông báo hủy bỏ thương vụ tiêm kích Su-35S trị giá hơn 1,1 tỷ USD với Nga mà không công bố nguyên nhân. Một số nhà quan sát cho rằng, Jakarta phải hủy bỏ thương vụ vì sức ép từ Mỹ.
F-15EX (tên cũ F-15X) là phiên bản nâng cấp mới nhất của "Đại bàng bất khả chiến bại" F-15 Eagle, tính năng kỹ chiến thuật của nó được nhận xét là tiệm cận tiêm kích thế hệ 5.
F-15EX sẽ được trang bị hệ thống điện tử và radar tốt hơn cùng khả năng mang theo số lượng tên lửa không đối không nhiều gấp đôi sản phẩm cùng loại của Nga và Trung Quốc.
Dòng chiến đấu cơ mới này còn được tích hợp những công nghệ mới nhất áp dụng trên chiến đấu cơ thế hệ 5 như khoang vũ khí trong thân và lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar cho khả năng tàng hình nhẹ.
Ngoài ra máy bay còn được lắp đặt hệ thống điện tử hàng không cực kỳ tối tân mà trọng tâm xoay quanh radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) đời mới nhất.
Với số lượng vũ khí cực khủng mang theo bao gồm 24 tên lửa không đối không các loại, F-15EX thực sự là một sát thủ trên bầu trời đối với mọi phương tiện bay của đối phương.
Chi phí khai thác của F-15EX cũng là lợi thế khi mỗi giờ bay của nó chỉ tiêu tốn khoảng 27.000 USD, trong khi con số này ở F-35 hoặc Su-35 lên tới trên 40.000 USD.
Tập đoàn Boeing tuyên bố rằng khung thân của chiến đấu cơ F-15EX sẽ có tuổi thọ lên tới 20.000 giờ bay, cho phép nó phục vụ trong rất nhiều thập kỷ.
Để so sánh, chiếc F-15C/D ban đầu chỉ được thiết kế để hoạt động trong 5.000 giờ bay, con số này nâng lên 8.000 giờ ở F-15E, còn dòng tiêm kích Su-27 của Nga chỉ có tuổi thọ khung 2.000 giờ bay.
F-15EX tự hào có kiến trúc Hệ thống nhiệm vụ mở, cho phép nhanh chóng tích hợp những công nghệ hàng không mới nhất. Nói cách khác, máy bay mới cung cấp cho các nhà thiết kế và phát triển một phạm vi rộng lớn để hiện đại hóa hơn nữa.
Tiêm kích F-15EX có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công mục tiêu mặt đất với sự chính xác cao.
Việc sở hữu tiêm kích F-15EX từ Mỹ và Rafale của Pháp sẽ giúp cho không quân Indonesia có sức mạnh tốp đầu trong khu vực.
Việt Hùng