Tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương
PTĐT - Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, trong đó có 35 di tích thờ Hùng Vương, 310 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương.
PTĐT - Phú Thọ hiện có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, trong đó có 35 di tích thờ Hùng Vương, 310 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương. Những năm gần đây, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương được quan tâm, góp phần tạo không gian thực hành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.
Tu bổ, tôn tạo di tích là giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích, khôi phục lại một cách chính xác những yếu tố đã hư hỏng qua thời gian đồng thời làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Việc tu bổ, tôn tạo di tích tạo không gian thực hành cho các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích, phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Những năm qua đã có 55 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương đã được tu bổ, tôn tạo như: Đền Chu Hưng- xã Ấm Hạ huyện Hạ Hòa thờ Côn Luân, Côn Nhạc, Côn Lang- có công chiêu mộ hiền tài cùng các tướng lĩnh đánh quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi thời kỳ Hùng Vương; Đình Thạch Khoán- xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn thờ Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh; Đình Hạ Mạo- thị xã Phú Thọ thờ Chàng Cả, Hai, Ba, Tư, Minh Uyển, Út Ngọ, Nội Mạo Đại Vương; Đình, Đền Mạo Phổ, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba thờ 3 tướng lĩnh có công giúp Vua Hùng thứ 17 đánh giặc trong buổi đầu dựng nước, giữ nước là: Bút Công, Nôi Công, Mao Công; Đình Cả- xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao thờ 18 đời Vua Hùng gắn với lễ hội đón Vua về làng vui Xuân…
Bên cạnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư tu bổ, tôn tạo với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng hay Đền Mẫu Âu Cơ với hơn 40 tỷ đồng thì nhiều di tích cũng được tu bổ, tôn tạo với số tiền khoảng 10-30 tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và nguồn xã hội hóa như: Đền Lăng Sương ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy- nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh được thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Nghi môn, ao sen, nhà che giếng Thiên Thanh, nhà bia, Miếu hai cô, nhà để kiệu, nhà thủ từ, hệ thống sân vườn tường rào… với tổng số vốn hơn 34 tỷ đồng; Đình An Thái- xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì- nơi thờ Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) được tu bổ với nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng; Đình Bảo Đà, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì- nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh được tu bổ với kinh phí hơn 16 tỷ đồng... Ngoài ra các di tích khác được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí từ 1-5 tỷ đồng. Huyện Lâm Thao có 15 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, trong đó có 10 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Tất cả các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn huyện đều còn kiến trúc, là huyện duy nhất trong tỉnh không có phế tích. Việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong huyện quan tâm. Trong 10 năm, phần lớn các di tích lịch sử- văn hóa được xếp hạng đã được tu bổ, tôn tạo với tổng số kinh phí hơn trăm tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn vốn là từ nguồn vốn xã hội hóa.Bà Nguyễn Thùy Linh- Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Lâm Thao chia sẻ: Công tác tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều di tích đã và đang xuống cấp kịp thời được tôn tạo, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đồng thời bảo tồn được những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Thời gian tới, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay của người dân, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương là hết sức cần thiết nhằm tạo không gian thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.