Từ bóng đá nghĩ về du lịch

Từ bóng đá, nghĩ về du lịch và kỳ vọng. Với những tin vui đầu xuân đến nay, hy vọng sẽ là bệ phóng để du lịch vượt khó và tăng tốc.

Khi giải U23 ASEAN khởi tranh vào ngày 14-2-2022, không mấy ai tin tưởng là đội tuyển Việt Nam sẽ làm nên chuyện. Gọi là U23 nhưng nòng cốt là U21 tăng cường. Các nước đều xem giải U23 là dịp tổng dợt của các cầu thủ trẻ, tính chuyện dài lâu. Nhiều tuyển thủ mới 16-17 tuổi. Thái Lan chỉ cử U19, Indonesia và Myanmar bỏ cuộc vì dịch.

Vậy mà, ngay trận đầu ra quân, tuyển Việt Nam đã xóa tan mọi nghi ngờ, làm nức lòng người hâm mộ với chiến thắng áp đảo 7-1 trước Singapore, cho dù 1/3 đội hình cầu thủ bị dương tính, không thể ra sân. Covid-19 tiếp tục tấn công các đội tuyển, Việt Nam thiệt hại nặng nhất, không đủ quân số ra sân, phải tăng viện từ quê nhà.

Với tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, còn nước còn tát, VFF và các ngành liên quan đã cấp tốc, làm việc thâu đêm, đảm bảo mọi thủ tục cần thiết, để sáu cầu thủ viện binh tốc hành đến Phnom Penh. Đội hình lắp ghép, thủ môn thứ hai bắt chính, có cầu thủ đi đường bộ cả ngày, vừa tới nơi là xỏ giày ra sân. Vậy mà vẫn đá “ra trò” và vượt qua kình địch Thái Lan với tỉ số 1-0.

Trước dịch bệnh, cổ động viên Việt Nam sát cánh cùng đội tuyển ở các giải đấu. Ảnh: Vietravel

Trước dịch bệnh, cổ động viên Việt Nam sát cánh cùng đội tuyển ở các giải đấu. Ảnh: Vietravel

Covid-19 vẫn tiếp tục “đùa dai”, công phá các đội tuyển. Lần thứ hai, tuyển Việt Nam phải thần tốc chi viện thêm bốn cầu thủ. Cố hết sức và làm hết cách, cũng chỉ còn 13 cầu thủ đủ điều kiện ra sân, trong đó có hai thủ môn. Trận bán kết với Timor Lester kéo dài 120 phút, vắt kiệt sức của từng tuyển thủ. Việt Nam phải vét tới hạt cơm nguội cuối cùng, đưa thủ môn thứ tư vào đá tiền đạo (thủ môn thứ ba bắt chính).

Xót nhất là cảnh các cầu thủ la liệt nằm sân, vẫn cắn răng tiếp tục chiến đấu đúng nghĩa. Vì không còn người để thay, nhiều cầu thủ Việt Nam lả sức vẫn quên mình lăn xả tựa lên đồng. Những lúc không có bóng, các cầu thủ phải ngồi xổm cho đỡ căng cơ, thấy vừa xót ruột, vừa tức cười. Đang ngồi cóc, thấy bóng là lao như lên đồng, đoạt bóng tấn công. Bất phân thắng bại cả hai hiệp chính lẫn hai hiệp phụ, hai đội bước vào sút luân lưu. Việt Nam giành chiến thắng kịch tích chung cuộc 5-3.

Trận chung kết, Việt Nam bớt lo nhân lực, nhờ số phục hồi âm tính nhiều hơn dương tính, có 16 cầu thủ ra sân. Nhưng lại lo vì đã kiệt sức trong trận bán kết. Đối thủ đủ binh hùng tướng mạnh, lại được nghỉ nhiều ngày hơn. Vẫn đội hình lắp ghép, nhiều cầu thủ đá trái sở trường, nhưng tuyển Việt Nam, một lần nữa, vượt qua kinh đình Thái Lan với tỉ số 1-0 và giành ngôi vô địch đầy ngoạn mục.

Trong lịch sử giải U23 ASEAN , Việt Nam là đội duy nhất toàn thắng và giữ sạch lưới. Mùa giải 2022, tuyển Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất (9 bàn, chưa kể đá luân lưu), ghi nhiều bàn thắng nhất trong một trận (bảy bàn). Ra sân với lượng cầu thủ tối thiểu chỉ 13 người. Cả bốn thủ môn đều được ra sân.

Đội hình chắp vá, nhiều cầu thủ vào sân trái sở trường, vẫn nhanh chóng hòa nhập, bắt nhịp nhanh với chiến thuật, cùng đồng đội tạo nên thành tích bất bại. 8/10 cầu thủ chi viện đi ô tô cả ngày, tới nơi chỉ kịp xỏ giày và đá… Những kỷ lục ngoài ý muốn và không dễ gì lặp lại với bóng đá cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam hay ASEAN

“Tinh thần Thường Châu” (2018) tưởng đã nhạt nhòa, khi đội tuyển quốc gia liên tiếp thất bại ở vòng loại đấu trường World Cup, mất ngôi vô địch ở AFF Cup 2021. Nhưng tôi đã thấy bừng lên “Tinh thần Thường Châu” trong từng cầu thủ nam futsal khi chiến thắng những đội bóng hàng đầu, tiến vào vòng 1/8 Fustal World Cup 2021.

“Tinh thần Thường Châu” lại được tái hiện trong những bước chạy bứt phá của Thanh Nhã (tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam), cùng nhiều nữ tuyển thủ khác như Huỳnh Như, Hải Yến, Chung Thị Kiều, Bích Thùy…khi vượt qua khó khăn của đại dịch, chiến thắng liên tiếp ở Ấn Độ đầu Xuân 2022. Lần đầu tiên, đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự vòng loại World Cup.

Tinh thần ấy đã bùng lên mạnh mẽ thành “Khát vọng Việt Nam” trong giải U23 ASEAN 2022. Trong rủi có may. Nếu không bị dịch bệnh tấn công điêu đứng, tinh thần Việt đâu có dịp chứng minh. Huấn luyện viên Mai Đức Chung và Đinh Thế Nam dễ gì khẳng định tài cầm quân trong hoàn cảnh ngặt nghèo, điều mà nhiều huấn luyện viên ngoại đẳng cấp chưa chắc làm được.

Nếu không bị đại dịch càn quét, cắt đường ra sân của các cầu thủ chính thức, những “kép phụ” của U23 (10 cầu thủ tăng viện và thủ môn Đoàn Tuấn Hưng) làm gì có cơ hội thể hiện cả trình độ cùng bản lĩnh một cách chững chạc và hiệu quả, không hề thua các “kép chính”. Loạt sút luân lưu cân não ở trận bán kết, cả năm quả đều hoàn hảo, không cho thủ thành chính của đối phương cơ hội nhỏ nhoi nào để cản phá. Điều mà cả những ngôi sao quốc tế lừng lẫy, có lúc thất bại.

Ngược lại, kép phụ Đoàn Tuấn Hưng đã tỏa sáng, cản phá thành công quả thứ 3, đưa Việt Nam vào chung kết. Trận chung kết, kép phụ Đoàn Tuấn Hưng là một trong những nhân tố chính giúp Việt Nam giành ngôi vô địch xứng đáng, khi mấy lần cứu thua cho đội nhà. Nhìn kép phụ Bảo Toàn khuynh đảo đối phương, hay pha ghi bàn của Trung Thành đều thấy dáng dấp Quang Hải ở Thường Châu 2018.

Xem U23 càng sướng vì không thấy những tiểu xảo của cầu thủ. Từ việc ăn vạ, vào bóng triệt hạ đến vung tay, phi thân vào đối thủ. Xem các cầu thủ tăng cường thi đấu tự tịn, mạch lạc dù không hề dược tập đợt, chuẩn bị mà ngạc nhiên và khâm phục. Đó là bài học “thích ứng với mọi tình huống, đồng lòng và quyết tâm thì nghịch cảnh nào cũng có thể vượt qua”.

Phải cám ơn giải U21 quốc gia Thanh Niên, sân chơi của các cầu thủ trẻ nhiều năm nay, là lò sản sinh lớp tuyển thủ chất lượng làm nên ngôi vô địch U23 ASEAN 2022. Tuyển U23 Việt Nam thực chất là U21 tăng cường, trưởng thành từ giải U21 Thanh Niên. Trong khi lứa U23 thật, ít được ra sân ở V.League nên thi đấu mờ nhạt, lớp đàn em có dịp chinh chiến ở sân chơi riêng nên rất lửa.

“Tinh thần Thường Châu” 2018, đã tiếp lửa cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có du lịch. Nhờ cú hích Thường Châu 2018 của bóng đá, năm 2019, du lịch Việt Nam tăng trưởng 16% khách quốc tế. Giữa ngổn ngang khó khăn sau hơn hai năm dịch bệnh hoành hành, hy vọng tinh thần “Khát vọng Việt Nam” từ giải U23 ASEAN 2022 sẽ truyền lửa, không chỉ cho bóng đá mà còn tác động đến kinh tế, đặc biệt để ngành du lịch Việt Nam vượt khó, nhanh chóng hồi sinh.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tu-bong-da-nghi-ve-du-lich/