Từ ca cao đến socola 'made in Việt Nam'
Thị trường trong nước hiện có đến hàng chục thương hiệu socola có chất lượng cao không thua hàng ngoại, nhưng vẫn còn ít người tiêu dùng biết đến
Người Việt Nam từ xưa vốn ưa dùng chè (trà), cà phê, sữa… chứ không thích socola. Và một thời gian dài, socola là hàng nhập khẩu, giá cả đắt đỏ, không phải loại bánh, kẹo phổ thông mà ai cũng có thể mua được. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với việc khuyến khích người nông dân trồng cây ca cao, thì khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt đầu sản xuất chế biến socola “made in Việt Nam”. Đến thời điểm hiện tại, trên thị trường đã có vài chục thương hiệu socola của doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất. Một số doanh nghiệp đã đưa thương hiệu socola Việt ra thị trường thế giới thành công.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thinh, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tiền Giang cho biết, tại Việt Nam, cây ca cao được trồng chủ yếu ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột và Đắk Lắk. Ở mỗi vùng đất khác nhau, do đặc điểm thổ nhưỡng (đất đai, nguồn nước, khí hậu…) và cách chế biến sau thu hoạch của người nông dân khác nhau nên hạt ca cao của Việt Nam có hương vị đa dạng, độc đáo riêng, tùy theo vùng.
Tuy hiện nay diện tích trồng cây ca cao cả nước không nhiều, chỉ khoảng 5.833 ha, chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất chế biến socola và các sản phẩm thực phẩm khác, nhưng ưu điểm của ca cao Việt Nam là có hương vị đặc biệt, có thể sản xuất ra loại socola ngon nhất thế giới. Các nhà thu mua đánh giá, 95% ca cao Việt Nam là sản phẩm lên men, được xếp vào loại có chất lượng cao nhất thế giới, vượt qua cả Indonesia (nước có sản lượng thứ 3 thế giới, nhưng chỉ bán hạt thô) và nằm trong nhóm nước có sản phẩm ca cao chất lượng tốt như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil.
Đây cũng chính là ưu điểm để doanh nghiệp nước ngoài chú ý đến ca cao Việt Nam, bởi hiện tại các nước trồng ca cao ở châu Á, đặc biệt là Indonesia, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất châu Á cũng đang đà suy giảm cả về sản lượng và chất lượng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ ca cao, chỉ riêng khu vực châu Á cũng rất lớn. Cụ thể như các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia có đến 2,8 tỷ người và sức tiêu thụ socola của 3 nước này bình quân 0,6 kg/người/năm. Đó là chưa kể Nhật Bản, nước tiêu thụ socola lớn nhất châu Á với mức 1,8 kg/người/năm.
Các nhà đầu tư cũng nhận định, Việt Nam là nơi cung cấp hạt ca cao đầy tiềm năng. Hiện tại, dù lượng xuất khẩu chỉ từ vài trăm tấn đến vài ngàn tấn/năm, nhưng chất lượng ca cao của Việt Nam không hề thua kém các quốc gia có thế mạnh khác. Đặc biệt, sản phẩm ca cao Việt Nam được các công ty thu mua đánh giá là tốt nhất châu Á, do được lên men đúng quy trình, rất thích hợp để chế biến thành loại socola nguyên chất cao cấp.
Tại thị trường trong nước, đã có nhiều doanh nghiệp Việt và nước ngoài sản xuất socola “made in Việt Nam” rất thành công. Mặc dù mang nhiều thương hiệu ngoại như Marou, Savie, Alluvia, Kimmy’s, Figo… nhưng đây đều là socola sản xuất từ nguồn nguyên liệu ca cao trồng tại Việt Nam. Trong đó, tỉnh Tiền Giang là địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất socola nhất với 3 doanh nghiệp.
Một trong những thương hiệu socola nổi bật của doanh nghiệp Việt là Savie (TP. Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất những mẻ nhỏ socola từ những hạt ca cao chất lượng cao được tuyển chọn. Để làm nổi bật những hương vị độc đáo vốn có trong hạt ca cao Việt Nam, Savie sử dụng kỹ thuật chế biến socola thủ công truyền thống ở châu Âu. Phần nhân ca cao và đường được nghiền bằng máy nghiền con lăn đá, trong nhiều ngày đêm liên tục, nhiệt độ được kiểm soát chặt chẽ, để socola mềm mịn như lụa, khi ăn tan trong miệng mà vẫn giữ lại được hết những hương vị thơm ngon. Savie tạo socola riêng biệt bằng cách dùng hàm lượng ca cao rất cao, không sử dụng hương liệu hóa học, hay chất phụ gia, tạo vị socola đắng, ngọt hậu.
Tương tự, thương hiệu Chocolate Figo của 2 doanh nhân trẻ (tại TP. Hồ Chí Minh) lại hướng đến việc tạo ra sản phẩm ăn vặt tốt cho sức khỏe nhất, với hàng trăm sản phẩm từ ca cao như bột socola, bột ca cao nguyên chất, socola làm bánh 75% ca cao...
Hay nổi tiếng nhất hiện nay là thương hiệu Maison Marou của Công ty Marou Faiseours de Chocolat (TP. Hồ Chí Minh) do doanh nhân người Pháp làm chủ. Socola Maison Marou có hương vị đặc trưng của trái cây tại nhiều địa phương của Việt Nam, từ ĐBSCL, đến miền đất đỏ bazan Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Ca cao trồng trên các loại đất khác nhau, mang lại cho mỗi loại hạt một hương vị riêng biệt, tạo ra thanh socola có nhiều thành phần với nhiều tầng hương vị. Ngoài tiêu thụ tại Việt Nam, Maison Marou còn xuất khẩu (cả bột ca cao nguyên liệu và socola) đến trên 20 quốc gia khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ và Bắc Á, với sản lượng từ 3 - 4 tấn socola/năm.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng socola của Việt Nam hiện nay ước khoảng 5.500 tấn/năm, nhưng hiện phần lớn là nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất socola trong và ngoài nước đang tận dụng tối đa tiềm năng lớn này để phát triển sản xuất và kinh doanh socola.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tu-ca-cao-den-socola-made-in-viet-nam-88862.html