Từ ca viêm não Nhật Bản dù đã tiêm 4 mũi vaccine, chuyên gia khuyến cáo gì?

Đã tiêm 4 mũi vaccine viêm não Nhật Bản vẫn có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên khi mắc bệnh thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn, ít gây biến chứng nặng.

Mới đây Sở Y tế Hà Nội ghi nhận bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên tại TP trong năm nay. Đáng chú ý, bệnh nhi này đã tiêm 4 mũi vaccine viêm não Nhật Bản.

Trước một số băn khoăn về nguyên nhân khiến bệnh nhân tại Hà Nội vẫn mắc viêm não Nhật Bản dù đã tiêm 4 mũi vaccine, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trước hết cần xác định nguyên nhân gây ra bệnh viêm não.

Theo BS Tiến, nguyên nhân gây viêm não thường do virus, vi khuẩn hay vi nấm, kí sinh trùng. Tùy từng loại virus sẽ gây nhiều loại viêm não khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là viêm não Nhật Bản, bệnh này do virus viêm não Nhật Bản gây ra.

"Cần khẳng định vaccine viêm não Nhật Bản thì chỉ phòng được viêm não Nhật Bản chứ không phòng bệnh viêm não do nguyên nhân khác. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đã chích ngừa 4 mũi vaccine ngừa viêm não Nhật Bản nhưng vẫn bị mắc bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Nhưng khi đã tiêm vaccine thì lúc mắc bệnh, tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn, ít gây biến chứng nặng” - bác sĩ Tiến nhận định.

 Vaccine viêm não Nhật Bản chỉ phòng được viêm não Nhật Bản chứ không phòng bệnh viêm não do nguyên nhân khác. Ảnh: Internet

Vaccine viêm não Nhật Bản chỉ phòng được viêm não Nhật Bản chứ không phòng bệnh viêm não do nguyên nhân khác. Ảnh: Internet

BS Tiến cho biết thêm, ngoài viêm não Nhật Bản, có trường hợp viêm não do virus Herpes simplex. Gần đây cũng cho thấy sốt xuất huyết có thể gây viêm não, gọi là sốt xuất huyết thể não. Bệnh này do virus tấn công, nhưng tỉ lệ rất thấp.

Hay khi mắc sởi, quai bị, thủy đậu,… chuyển biến nặng cũng có thể gây biến chứng viêm não. Có những trường hợp bị HIV cũng gây viêm não, nhưng trường hợp hiếm. Virus, vi nấm, kí sinh trùng hay vi khuẩn đều có thể gây viêm não. Tuy nhiên vi khuẩn thường hay gây viêm màng não nhiều hơn.

“Virus viêm não Nhật Bản có thể lây qua đường muỗi đốt. Những virus khác có thể lây qua đường hô hấp. Vaccine có thể bảo vệ bản thân nhưng vẫn cần phải bao phủ vaccine ngoài cộng đồng ít nhất 90% - 95% để ngăn ngừa lây lan. Khi tỉ lệ bao phủ vaccine thấp thì hiệu quả bảo vệ không cao” - bác sĩ Tiến cho hay.

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm đầy đủ các mũi vaccine viêm não Nhật Bản. Khi tiêm đủ vaccine sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh, khi mắc bệnh cũng sẽ nhẹ, hạn chế các biến chứng phù não, hôn mê, co giật, suy hô hấp, tử vong.

Hiện vaccine viêm não Nhật Bản có lịch tiêm lần 1 khi trẻ đủ 1 tuổi, tiêm lần 2 khi trẻ tiêm 1 - 2 tuần sau lần 1, tiêm lần 3 cách một năm sau lần 1. Theo chỉ định của vaccine viêm não Nhật Bản, sau khi tiêm xong 3 mũi cơ bản, cứ 3 năm sẽ phải nhắc lại một lần cho đến năm 15 tuổi.

Đã có trẻ mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm

Mới đây ngày 16-6, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận bé trai 12 tuổi (ngụ huyện Phúc Thọ), là bệnh nhân viêm não Nhật Bản đầu tiên tại TP trong năm nay.

Bé khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau, bé bị cứng gáy, đi lại loạng choạng. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Bé trai đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, trong đó mũi cuối cùng vào ngày 15-6-2019.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-ca-viem-nao-nhat-ban-du-da-tiem-4-mui-vaccine-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-post795963.html