Từ các quy hoạch vùng, cần tổ chức không gian phát triển quốc gia

Tác phẩm 'Từ các quy hoạch vùng, cần tổ chức không gian phát triển quốc gia' của tác giả Steve Bùi – Ngô Phẩm Trân đăng trên Tạp chí Thời Đại đã đoạt giải Tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Vừa qua, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng cho vùng địa phương trên toàn quốc. Chủ trương lớn này đã nhận được nhiều sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Tạp chí Thời Đại trân trọng giới thiệu bài viết của doanh nhân Steve Bùi, Việt kiều tại Nhật Bản và bà Ngô Phẩm Trân, Việt kiều tại Đài Loan, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục Đài - Việt (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc).

----------

Thể hiện tầm nhìn chủ động về chiến lược

Các Nghị quyết phát triển vùng được ban hành vào thời điểm sau đại dịch Covid-19 thể hiện tầm nhìn chủ động về chiến lược trước những “đứt gẫy địa chính trị” trên thế giới, khu vực đã và đang dần xuất hiện. Các nghị quyết có sự kế thừa, phát triển đường lối phát triển vùng, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung để kịp thời thích ứng với một trật tự “bình thường mới” đang dần được định hình.

Triển khai chiến lược phát triển các vùng, Việt Nam có không ít thuận lợi.

Thứ nhất là, môi trường chính trị ổn định, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, là nền tảng rất quan trọng để việc triển khai các đường lối, chính sách, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, Việt Nam đang trên đà phát triển, duy trì tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong và sau đại dịch, kinh tế vĩ mô ổn định, với nội lực là môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cởi mở, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, lực lượng lao động dồi dào theo nhiều phân khúc, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao. Vì vậy Việt Nam đang là môi trường thu hút đầu tư hàng đầu khu vực.

Thứ ba, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đang có vai trò tích cực trong các cơ chế khu vực và quốc tế, là điều kiện để đất nước huy động sức mạnh thời đại vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

 Việc xây dựng, triển khai các chiến lược sẽ căn cứ trên thế mạnh của từng vùng (Ảnh: KT).

Việc xây dựng, triển khai các chiến lược sẽ căn cứ trên thế mạnh của từng vùng (Ảnh: KT).

Nội dung đáng quan tâm trong các nghị quyết là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các mục tiêu đưa ra cụ thể, rõ ràng, bao quát dựa trên tinh thần phát triển bền vững, tiến tới thu hẹp khoảng cách vùng và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển bền vững, toàn diện các vùng trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, bối cảnh, thế mạnh, hạn chế riêng của từng vùng. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng đã thể hiện tầm nhìn vĩ mô, nhưng cũng rất cụ thể đối với từng vùng, từng địa phương. Trong đó các giải pháp về kết nối vùng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân thể hiện tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các vùng.

Các chiến lược phát triển vùng của Việt Nam sẽ được giới học giả, các đối tác quốc tế quan tâm bởi Việt Nam đang là điểm sáng về tăng trưởng, một môi trường đầu tư đầy hứa hẹn. Việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về các chiến lược phát triển vùng của Việt Nam là nhu cầu tất yếu để họ có thể đón đầu được chính sách, ưu đãi tốt trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Mô hình phát triển Vùng địa phương có thể thấy ở nhiều nước phát triển như Pháp, Anh, Nhật, Mỹ…Tại một số quốc gia, lãnh thổ được chia thành các vùng nhất định và thống nhất hàng chu kỳ 5-10 năm đưa vào kế hoạch nghiên cứu và chỉnh sửa. Họ cũng làm quy hoạch không gian, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các quy hoạch ngành…

Cơ hội tổ chức hiệu quả không gian phát triển quốc gia

Việt Nam trước đây chưa có sự thống nhất các vùng không gian. Tuy nhiên qua các nghị quyết phát triển vùng vừa được ban hành thì thấy rằng chúng ta đã nhận rõ việc tổ chức không gian phát triển theo 6 vùng. Có thể nói đây là những chiến lược mang ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của quốc gia lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất lớn, rất mới. Theo nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 thì Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Trong đó việc làm sao để phát huy được lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu…thì việc Việt Nam ban hành các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, giúp cho việc tăng trưởng cao của từng vùng vào đóng góp vào phát triển chung của đất nước là điều quan trọng và cần thiết.

 Cơ hội bố trí, sắp xếp lại, tổ chức hiệu quả không gian phát triển quốc gia (Ảnh: KT).

Cơ hội bố trí, sắp xếp lại, tổ chức hiệu quả không gian phát triển quốc gia (Ảnh: KT).

Do vậy Việt Nam cần nhìn nhận rõ về thực tế phát triển, tổ chức không gian phát triển quốc gia thời gian qua, nhất là 10-15 năm gần đây, để thấy rõ những kết quả, thành tựu đã đạt được. Đồng thời cũng cần nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Để làm sao, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Vừa đồng bộ, vừa tính yếu tố đặc thù, chọn lọc

Phát triển kinh tế là bệ phóng để đất nước phát triển. Có kinh tế đất nước mới đủ 4 chân vững chắc: lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế.

Tuy nhiên phát triển đồng bộ không phải là ai cũng làm, làm đồng loạt giống nhau. Nếu tỉnh nào cũng muốn xây dựng sân bay, khu công nghiệp thì tự nó sẽ triệt tiêu nhau, không phát huy được sức mạnh trong liên kết vùng kinh tế để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế đất nước.

Tây Nguyên có thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm. Đồng bằng sông Cửu Long lại có lợi thế xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP. Hồ Chí Minh… Khi đã xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, việc phát triển sẽ căn cứ trên thế mạnh của từng vùng. Đồng thời tính toán đến việc liên kết các địa phương trong vùng và liên kết các vùng với nhau từ đó tạo sức mạnh cạnh tranh của quốc gia khi hội nhập quốc tế. Tất cả như một bức tranh có nhiều mảnh ghép và dần dần chúng ta mới nhìn thấy toàn cảnh.

Đào tạo nhân lực cần bám sát nhu cầu, thế mạnh từng vùng

Kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp kỹ thuật cao nhưng chưa có chuẩn bị cơ bản về nguồn nhân lực chất lượng cao. Các quốc gia phát triển đã đi trước Việt Nam hàng chục năm trong việc đầu tư cho đội ngũ chuyên gia nghiên cứu. Chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước. Quy hoạch cán bộ nguồn và đưa đi nước ngoài đào tạo, hoặc liên kết với những nước phát triển đưa những mô hình đào tạo của họ áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.

Chúng ta đều biết tuy có sự giao thoa nhưng mỗi vùng đều có những thế mạnh riêng biệt, hay nói khác đi là ưu thế đặc thù. Ví dụ như các tỉnh duyên hải miền Trung thì với ưu thế địa lý trải dài ven biển nên có sức hấp dẫn đặc biệt về du lịch và kinh tế biển. Kinh tế biển ở đây không đơn thuần chỉ là du lịch, khai thác hải sản mà còn là dầu khí hoặc điện gió ngoài khơi. Còn với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc thì sự nổi trội đương nhiên là nông lâm nghiệp... Vì vậy để đạt được hiệu quả cao nhất, việc đào tạo nguồn nhân lực cần linh hoạt theo thế mạnh của từng vùng.

 Nhiều chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực cao tại Việt Nam đã và đang được triển khai (Ảnh: NVCC).

Nhiều chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực cao tại Việt Nam đã và đang được triển khai (Ảnh: NVCC).

Tây Nguyên có thế mạnh là bản sắc dân tộc, văn hóa thì phát triển du lịch và nông sản địa phương sẽ thích hợp. Đào tạo nhân lực của Tây Nguyên nên tập trung vào những ngành nghề du lịch, sáng tạo ma-két-tinh, công nghệ chế biến sản xuất để tận dụng nguồn nguyên liệu của địa phương làm ra những sản phẩm chất lượng mang hiệu quả kinh tế cao phục vụ khách du lịch đến địa phương.

Vùng Đông Nam Bộ có những tỉnh phát triển về công nghiệp thì cần xác định rõ là phát triển về công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao hay công nghiệp nông nghiệp cao chế biến nông sản để có những quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực khác nhau… Đây là những yêu cầu hết sức căn bản vì nếu chất lượng lao động không theo kịp yêu cầu đặc thù thì sẽ tạo nên sự hụt hẫng.

Muốn đáp ứng yêu cầu này thì cần sự chủ động từ xa của cơ quan chức năng. Trước hết là dự báo nhu cầu lao động sau khi xác định mũi nhọn phát triển của từng khu vực, sau đó là lên kế hoạch tuyển dụng, đào tạo... Ở đây câu chuyện đào tạo lao động chuyên sâu sẽ rất khác biệt lao động phổ thông, cần phải có môi trường dạy nghề chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi chất lượng cao. Ví như nông nghiệp, người lao động phải học hỏi kỹ năng canh tác mới, biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp...thì những quốc gia như Israel là rất đáng để đến học hỏi. Hoặc phổ biến hơn là công nghiệp chế biến, những quốc gia có thành tựu vô cùng ấn tượng như Hàn Quốc, Nhật Bản...là những nơi cần gửi lao động sang học nghề từ bây giờ. Và như đã nói ở trên, với thế mạnh là du lịch thì trình độ người làm dịch vụ này rất cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Hiện tại có nhiều nước đã hợp tác với Việt Nam về phát triển du lịch vì vậy chúng ta cần khai thác triệt để quan hệ kinh tế này phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng lao động ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Có thể kể đến một số cơ sở đào tạo uy tín như Trường chuyên môn du lịch Tokyo; Trường Trung cấp ngoại ngữ và du lịch Tohoku, hoặc tại Đài Loan thì có thể theo học du lịch, logistic, quản trị nhà hàng khách sạn tại Trường khoa học kỹ thuật Chihlee, tại Hàn Quốc thì học nghề về nông nghiệp tại Cao đẳng Dongju...

Với đông đảo kiều bào trên khắp thế giới, việc phát triển và hợp tác kinh tế, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi khi đây là những cầu nối hữu hình, có thể gắn kết chiều sâu trong quá trình định hướng, giới thiệu mô hình, thúc đẩy đào tạo lao động và qua đó hình thành mạng lưới hỗ trợ nhân lực chất lượng cao đa ngành nghề cho đất nước.

Nội dung: Doanh nhân Steve Bùi, Việt kiều tại Nhật Bản và bà Ngô Phẩm Trân, Việt kiều tại Đài Loan, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục Đài - Việt (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc).

Đồ họa: Hồng Anh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/giai-bao-chi-toan-quoc-ve-xay-dung-dang/tu-cac-quy-hoach-vung-can-to-chuc-khong-gian-phat-trien-quoc-gia-18915