Từ các thông tư quy định về đấu thầu: Cơ sở y tế sẽ không còn thiếu thuốc?
Sau khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật, Bộ Y tế đã lần lượt ban hành 4 thông tư quy định về đấu thầu với hy vọng các cơ sở y tế không còn thiếu thuốc, trang thiết bị y tế như hiện nay.
Thuốc hiếm được đàm phán giá, mua sắm tập trung
Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16.4.2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp.
Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20.4.2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc.
Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14.5.2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.
Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17.5.2024 quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập.
Theo Bộ Y tế, các thông tư trên đã có nhiều quy định nhằm giải quyết tối đa các bất cập trong đấu thầu mà các bệnh viện phản ánh, như thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị cục bộ tại các cơ sở y tế; tồn tại, hạn chế trong lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm tập trung; các bất cập trong xây dựng giá gói thầu...
Ngoài ra, các thông tư được ban hành cũng tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Trong đó, Thông tư 05/2024/TT-BYT đã bổ sung nguyên tắc, tiêu chí đối với vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được áp dụng đàm phán giá. Đặc biệt, có thêm quy định về danh mục thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng đàm phán giá. Các thuốc hiếm, thuốc mua với số lượng ít (như thuốc chữa ngộ độc, rắn độc cắn…) cũng được đàm phán giá, mua sắm tập trung. Thông tư 03/2024/TT-BYT ra đời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư mua sắm đối với các thuốc sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thuốc tại Việt Nam.
Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính đồng bộ, ghi rõ số lượng, nội dung gói thầu, nêu rõ thời gian và giá gói thầu.
Ngoài việc hướng dẫn các phương pháp xây dựng giá gói thầu, cơ sở y tế công lập có thể căn cứ thông tin giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế công lập, hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương hoặc trúng thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá.
Đối với cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập, việc mua sắm thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của pháp luật về BHYT.
Theo đó, cơ sở y tế công lập được lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu riêng, và lựa chọn một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 điều 20 của Luật Đấu thầu, các văn bản quy định chi tiết thi hành để thực hiện mua sắm; trường hợp thuốc cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá) thì giá mua vào không được cao hơn giá đã hoặc đang cung ứng tại chính cơ sở y tế công lập đó.
Đối với thuốc không thuộc trường hợp quy định nêu trên, cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Như vậy, cơ sở y tế có thể mua, bán các loại thuốc ngoài danh mục BHYT để đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.
Khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế
Trong khi đó, việc phân chia gói thầu, nhóm thuốc, Bộ Y tế cho biết đã quy định cụ thể, rõ ràng theo tiêu chí kỹ thuật được xây dựng chặt chẽ, minh bạch và yêu cầu cao hơn nhằm mục tiêu lựa chọn được các thuốc chất lượng, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng và phân tuyến kỹ thuật; góp phần phát triển thuốc sản xuất tại Việt Nam, khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu thông qua tiêu chí kỹ thuật GACP, khuyến khích đầu tư nâng cấp để thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP.
Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc được xây dựng theo 3 cấp: quốc gia, địa phương, cơ sở; qua đó giảm tải được khối lượng thuốc đấu thầu cho các cấp. Thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung sẽ được điều tiết số lượng phù hợp với tình hình sử dụng thuốc thực tế ở từng địa phương so với dự trù ban đầu, hạn chế được tình trạng thừa thiếu thuốc cục bộ ở các địa phương.
Việc mua sắm tập trung tạo điều kiện để nhiều nhà thầu tham dự, đảm bảo tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để các đơn vị tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn; giúp đảm bảo thống nhất về giá và ổn định thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí trong công tác tổ chức đấu thầu.
Ngoài ra, điều 18 Thông tư số 07/2024/TT-BYT cũng quy định việc áp dụng chỉ định thầu giúp khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trong trường hợp cấp bách. Điều 35 Thông tư số 07/2024/TT-BYT cũng bổ sung quy định về tùy chọn mua thêm nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc khi cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng bổ sung thuốc trong thỏa thuận khung, và vượt quá khả năng điều tiết và số lượng được phân bổ.
Bộ Y tế cho rằng cả 4 thông tư trên sẽ khắc phục được các khó khăn, vướng mắc về công tác mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm tại các cơ sở y tế công lập thời gian qua; hoàn thiện hơn các quy định phù hợp theo pháp luật hiện hành, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế yên tâm, chủ động thực hiện mua sắm thuốc đảm bảo phục vụ cho công tác điều trị người bệnh.