Từ Cách mạng Tháng Tám đến hiện đại: Sức mạnh trường tồn của đại đoàn kết dân tộc

Việc phát huy sức mạnh toàn dân không chỉ giúp Việt Nam ổn định nội bộ mà còn nâng cao vị thế quốc tế. Chính từ truyền thống gắn bó keo sơn, chúng ta mới có thể vượt qua đại dịch COVID-19, ứng phó linh hoạt với biến động toàn cầu và tiếp tục vững bước trên con đường phát triển bền vững.

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, tinh thần đại đoàn kết dân tộc luôn là nguồn sức mạnh to lớn, là “điểm tựa” vững chắc để toàn dân tộc vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không chỉ bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là kết tinh sức mạnh toàn dân, mà ở đó, đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh. Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập sâu rộng, tinh thần ấy vẫn giữ nguyên giá trị, trở thành nền tảng quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đào tạo thế hệ sĩ quan tương lai - những người sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh: Tư liệu

Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh: Tư liệu

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm trong ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Nhân dân sống trong cảnh áp bức, lầm than. Trong bối cảnh đó, phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ nhưng thiếu tổ chức lãnh đạo thống nhất, thiếu sự gắn bó của các tầng lớp nhân dân trong một khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930), cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, nhân dân Việt Nam mới thực sự có một tổ chức chính trị đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Người coi đại đoàn kết dân tộc là chiến lược, là mục tiêu và phương pháp để đưa cách mạng đến thắng lợi. Trong giai đoạn chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Người đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh – tổ chức liên minh yêu nước quy tụ mọi tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc cùng hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc.

Chính nhờ tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 14 đến 28/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, cả dân tộc đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giai cấp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại chính quyền tay sai, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chiến thắng đó không chỉ là thành quả của đấu tranh cách mạng mà còn là minh chứng lịch sử sinh động cho giá trị của khối đại đoàn kết toàn dân, được kết tinh và phát huy mạnh mẽ trong những thời khắc vận mệnh dân tộc được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tinh thần đại đoàn kết dân tộc tiếp tục là chỗ dựa vững chắc để giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; lấy người dân là trung tâm, chủ thể của sự phát triển; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam để huy động nội lực, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa và nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Đại đoàn kết dân tộc ngày nay không chỉ là sự gắn bó giữa các tầng lớp trong nước mà còn mở rộng ra cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc phát huy sức mạnh toàn dân không chỉ giúp Việt Nam ổn định nội bộ mà còn nâng cao vị thế quốc tế. Chính từ truyền thống gắn bó keo sơn, chúng ta mới có thể vượt qua đại dịch COVID-19, ứng phó linh hoạt với biến động toàn cầu và tiếp tục vững bước trên con đường phát triển bền vững.

Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là giá trị chính trị, xã hội mà còn là bài học lớn trong giáo dục lý tưởng sống, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, “vừa hồng vừa chuyên” không thể tách rời với việc bồi đắp tinh thần yêu nước, đoàn kết, sống nhân ái, thủy chung.

Là trung tâm đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học, Trường Sĩ quan Lục quân 1 giữ vai trò đặc biệt trong việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực toàn diện. Trong môi trường này, việc giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc là yêu cầu tất yếu, không chỉ để hình thành bản lĩnh người sĩ quan mà còn để truyền những giá trị cốt lõi của dân tộc vào trong tư duy, hành động của thế hệ học viên.

Trong những năm qua, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được thể hiện rõ nét thông qua nhiều hoạt động ở nhà trường: các môn học như Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh… đều nhấn mạnh đến giá trị và vai trò của đại đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng. Các buổi sinh hoạt chính trị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống, tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho học viên thấm nhuần và tiếp nối truyền thống quý báu đó.

Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến ngày nay, đại đoàn kết dân tộc luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong thời đại hiện nay, tinh thần ấy vẫn giữ nguyên giá trị như một sức mạnh trường tồn, giúp đất nước ta vững bước trước mọi thử thách. Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1, việc phát huy tinh thần đại đoàn kết không chỉ là trách nhiệm mà còn là nội dung tuyên truyền cho những học viên và sĩ quan – kế thừa truyền thống cha anh, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, mỗi cán bộ, học viên nhà trường hãy luôn tâm niệm: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Nhưng cách mạng đó chỉ có thể thành công khi toàn dân đoàn kết thành một khối vững chắc." Đó là ngọn lửa dẫn đường, là nguồn động lực tinh thần cho mọi thế hệ quân nhân hôm nay và mai sau.

Thượng tá, ThS Nguyễn Hữu Quý

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-cach-mang-thang-tam-den-hien-dai-suc-manh-truong-ton-cua-dai-doan-ket-dan-toc-a29446.html