Từ câu chuyện 'Đôi bàn tay' đến khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc của Nguyễn Tất Thành
'Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa. Khi quê hương còn chìm nổi, Người đã lên tàu đi xa…'. Đã 110 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2021), Bác đã để lại cho chúng ta biết bao kính yêu và cảm phục về hình ảnh người thanh niên yêu nước tiến bộ Nguyễn Tất Thành (sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh) khi chỉ mới 21 tuổi đã dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Từ câu chuyện
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sự thất bại của các phong trào yêu nước đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước. Tuy khâm phục các lãnh tụ cách mạng tiền bối nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành vì: Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương khác gì xin giặc rủ lòng thương; Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; Cụ Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa vũ trang chống Pháp, nhưng vẫn mang tư tưởng phong kiến.
Với ý chí và quyết tâm phải tìm cho được con đường giải phóng cho dân tộc, năm 1909, Nguyễn Tất Thành quyết định rời Huế vào Phan Thiết, dạy học ở trường Dục Thanh từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911 để có thời gian tìm hiểu kỹ tình hình của mảnh đất phía Nam và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Sài Gòn, thực hiện hoài bão của mình, đó là: Ra nước ngoài, tìm hiểu nền văn minh của thế giới để trở về giúp ích cho đồng bào.
Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ, Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại. Sài Gòn, nơi Bác dừng chân trong thời gian ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người.
Ở Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành lưu trú tại các chi nhánh của Công ty Liên Thành, như: Nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm); Nhà số 128 Khánh Hội... Anh cũng đi vào xóm thợ, làm quen bạn bè học nghề ở Trường kỹ nghệ thực hành, Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn để tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động và lịch trình các chuyến tàu ra vào cảng Sài Gòn.
Tất Thành còn làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin làm việc trên tàu. Theo Hồi ký của Bác sĩ Lê Văn Chánh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh: Có lần Bác Hồ nói chuyện với Bác sĩ Lê Văn Chánh: “Chú ở 118 Khánh Hội, chú có biết nhà 128 không? Đó là Nhà máy nước mắm Liên Thành cũ. Bác ở đó có ba ngày trước khi xuống tàu ra nước ngoài”.
Cũng trong thời gian này, Bác đã gặp được anh Lê và trở thành đôi bạn thân thiết. Một hôm, khi đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, Bác đột nhiên hỏi bạn: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”. Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”. Anh Ba hỏi tiếp: “Anh có thể giữ bí mật không?”. Người bạn đáp: “Có.”Anh Ba nói tiếp: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Anh Lê trả lời: “Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”
“Đây, tiền đây! – anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay. Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?”. Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, anh Lê đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, anh Lê không đủ can đảm và giữ lời hứa nữa.
Ngày 02/6/1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc mang tên Amiran Latusơ Tơrêvin của hãng Nǎm sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mác-xây, Pháp. Lúc tàu cập cảng Sài Gòn, anh Thành xuống tàu và gặp thuyền trưởng Lui Edu a Maisen. Thuyền trưởng hỏi rằng: “Anh có thể làm được việc gì?” Tất Thành trả lời: “Tôi có thể làm bất cứ công việc gì!”. Sau đó thuyền trưởng nhận Thành vào làm phụ bếp.
Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba.
Ngày 05/6/1911, tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin nhổ neo rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Mác-xây (Pháp), mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc bằng đôi bàn tay lao động chân chính của mình.
Không tiền bạc, không bạn bè người thân, hành trang theo Người lên tàu ra nước ngoài chỉ có tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết cùng ý chí và nghị lực mạnh mẽ, người thanh niên ấy đã dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào hành trình thực hiện khát vọng,quyết tâm giải phóng cho dân tộc. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước ngày ấy của Nguyễn Tất Thành đã làm thay đổi của vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Chuyến đi lịch sử ấy đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.
Trong những năm tháng chật vật, gian truân ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề từ bồi bếp, quét tuyết đến đốt lò, chụp ảnh… Cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước. Ở mỗi nơi mà con tàu Latusơ Tơrêvin dừng lại, đối với Tất Thành đều là một trường đại học. Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Cuộc hành trình vĩ đại, đầy gian lao, thử thách qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là dịp để chúng ta ôn lại dấu ấn đầu tiên trong hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc hành trình đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.