Từ chém xe buýt tới vụ đập vỡ kính ô tô: Đập phá tài sản người khác bị xử lý thế nào?
Sau va chạm giao thông, không giữ được bình tĩnh, nhiều tài xế đã đập phá phương tiện người khác. Hành vi này sẽ bị xử lý thế nào? Khi nào bị xử lý hình sự?
Hành vi gây phẫn nộ
Sáng 13/3, trên nhiều nhóm Facebook về giao thông chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông đi xe máy va chạm với ô tô tại một nút giao ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Ngay sau va chạm, tài xế xe máy liền tháo mũ bảo hiểm đang đội đập vỡ kính cửa bên ghế lái của ô tô rồi ném thẳng mũ bảo hiểm vào trong ô tô.
Hình ảnh người đàn ông đi xe máy cầm mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe ô tô. Ảnh cắt từ video
Đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút rất nhiều bình luận, trong đó, phần lớn các ý kiến bày tỏ bức xúc trước hành vi bạo lực, phá hoại tài sản người khác của tài xế đi xe máy.
Cách đây chưa lâu, vào tháng 2/2024, người dùng mạng xã hội Facebook cũng chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh nam tài xế điều khiển ô tô Mazda dừng xe giữa đường Hoàng Quốc Việt (đoạn gần cầu vượt đi bộ, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rồi cầm dao dài chém vào xe buýt.
Hình ảnh ghi lại hành động của tài xế điều khiển ô tô Mazda lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc trước hành vi manh động của nam tài xế.
Vào cuộc điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhanh chóng xác định tài xế điều khiển ô tô Mazda và có hành vi chém xe buýt là Nguyễn Lê Tuấn Đức.
Tại cơ quan công an, Đức bày tỏ sự ân hận của mình vì hành động đã gây ra. Nam tài xế này khai, do trong khi di chuyển trên đường đã xảy ra va chạm với xe buýt khiến con gái đang ngồi trong xe hoảng sợ. Sau đó, Đức điều khiển ô tô của mình phóng qua, rồi dừng lại trước đầu xe buýt.
Tiếp đến, Đức cầm 2 con dao đi tới đầu xe buýt, chửi bới, đe dọa, rồi chém vào kính chắn gió phía trước và lốp phía trước bên trái của xe buýt làm hư hỏng tài sản. Cơ quan chức năng xác định tài sản bị hủy hoại trị giá 18 triệu đồng.
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Đức về Tội hủy hoại tài sản.
Nam tài xế Nguyễn Lê Tuấn Đức khi ở hiện trường và tại cơ quan công an
Cố ý hủy hoại tài sản từ 2 triệu trở lên có thể bị xử lý hình sự
Từ 2 vụ việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, hành vi đập phá, hủy hoại tài sản người khác bị xử lý thế nào? Trường hợp nào bị xử lý hình sự?
Trao đổi với PV về các thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Tùy vào mức độ, tình tiết vi phạm mà người có hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” của người khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo luật sư Kiên, trong trường hợp, cơ quan chức năng xác định, hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” của người khác chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính số tiền từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại điều 15, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả bằng việc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
“Như vậy, ngoài việc bị phạt tiền từ 3-5 triệu, người vi phạm còn phải khôi phục tình trạng tài sản bị phá hủy trở lại tình trạng ban đầu. Ví dụ, tài xế đập hỏng kính ô tô, xe buýt thì phải có trách nhiệm sửa chữa, hoặc chịu chi phí sửa chữa lại tình trạng ban đầu cho ô tô, xe buýt”, luật sư Kiên phân tích.
Đồng quan điểm với luật sư Lê Văn Kiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch), cho biết: Trong trường hợp tài sản bị hủy hoại có giá trị lớn, trên mức 2 triệu đồng, người có hành vi hủy hoại, cố ý đập phá, làm hư hỏng tài sản người khác có thể bị xử lý hình sự theo điều 178, Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Tuấn Anh, điều 178, Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ… thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (khoản 1, điều 178).
“Như vậy, theo điều 178, Bộ luật Hình sự, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác giá từ 2 triệu đồng trở lên là đủ cấu thành tội phạm.
Kết quả trưng cầu giám định tài sản trong các vụ hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan tố tụng đưa ra quyết định xử lý với người phạm tội.
Ví dụ, với mức thiệt hại từ 2 triệu đồng tới 50 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Trường hợp gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội sẽ đối mặt với mức án cao nhất là từ 2-7 năm tù.
Nếu gây thiệt hại 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm. Trong khi đó, nếu gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 10 - 20 năm”, luật sư Tuấn Anh cho biết.
Các luật sư cũng khuyến cáo, các tài xế khi xảy ra va chạm trên đường nên bình tĩnh, giải quyết sự việc văn minh, nếu không thỏa thuận được với nhau thì trình báo cơ quan chức năng phân giải. Việc dùng ngôn từ xúc phạm, lăng mạ hoặc sử dụng vũ lực sẽ không giải quyết được thiệt hại, trong khi nguy cơ vướng vòng lao lý là rất lớn.
“Thực tết đã xảy ra rất nhiều vụ án mạng vì va chạm giao thông nhỏ nhặt. Thậm chí chỉ vì 1 câu chửi bới, xúc phạm nhau trên đường, người thì chết, người thì vào tù. Người xưa có câu “một điều nhịn, chín sự lành”. Vì thế, các tài xế cần giữ cái đầu “lạnh” khi xảy ra va chạm giao thông để tránh những sai lầm đáng tiếc”, luật sư Kiên khuyến cáo.