Từ chiến thắng của Cách mạng Tháng 8 đến tinh thần chống dịch covid-19 hôm nay
Bước vào những ngày thu rực rỡ nắng vàng, ai trong chúng ta mà không nao nức, không đợi chờ, không hy vọng về chiến thắng giòn giã của dân tộc trước đại dịch Covid-19 như đã từng chiến thắng quân thù vào mùa thu 76 năm về trước.
Những người phất cờ hồng
Những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ áng cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy” đã đưa mỗi người về với sự kiện ngày 19/8/1945 tại Hà Nội mà trong đoàn biểu tình ấy có các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu…
Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội đổ ra Quảng trường Nhà hát lớn dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng và chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu
Đó là Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đó là bà Phan Thị Phúc, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao, phu nhân của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và rất nhiều người khác nữa.
Năm 1943, chàng thanh niên quê nhãn Hưng Yên Nguyễn Quyết được Đảng điều động lên Hà Nội hoạt động. Ông cùng các đồng chí trong Thành ủy xác định, Hà Nội có vị trí chiến lược đặc biệt, là cơ quan đầu não của phát xít Nhật. Nếu không thanh toán được cơ quan đầu não này, phong trào cách mạng cả nước rất khó thành công. Năm 1945, ông được giao đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau đó không lâu (ngày 19/8), cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11h tại Quảng trường Nhà hát Lớn với sự tham gia của khoảng 20 vạn người nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội.
“Sau đó, theo kế hoạch, quần chúng chia làm hai khối. Đoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát Hàng Trống do đồng chí Nguyễn Khang phụ trách. Tôi phụ trách đoàn chiếm Trại Bảo an binh”, Đại tướng Nguyễn Quyết nhớ lại.
Thực tiễn cuộc giành quyền kiểm soát Trại Bảo an binh đã thể hiện phương thức đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang và công tác ngoại giao, giúp Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu. Đại tướng Nguyễn Quyết nhận định: Trại Bảo an binh lúc bấy giờ có khoảng 1.000 quân của chính quyền thân Nhật đồn trú, đứng sau là hơn 1 vạn lính Nhật với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại. Do khéo vận động, thuyết phục, ta đã không phải nổ súng mà vẫn chiếm được trại, chiếm được kho vũ khí của địch để trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng.
“Hà Nội đã không máy móc, giáo điều, mà luôn chủ động, sáng tạo trong chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa của cấp trên. Như đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đánh giá “Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước. Cả nước theo gương Hà Nội, theo tinh thần Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã giành được độc lập”, Đại tướng Nguyễn Quyết khẳng định.
Còn bà Phan Thị Phúc thì nhớ ngày 19/8/1945, sau khi cùng các đội viên của Đội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu tỏa đi khắp ngả đường biểu tình giành chính quyền, bà cùng các nữ sinh khác được phân công chuẩn bị cho nhiệm vụ vận động hàng binh. Một trong những mục tiêu quan trọng được Ủy ban kháng chiến TP. Hà Nội xác định cần phải đánh chiếm nhanh gọn là Trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Khi đoàn tiến đến Trại Bảo an binh, cổng trại được khóa chặt và phía trong có hàng trăm lính bảo an đồn trú.
Những ngày này, Hà Nội rực đỏ sắc cờ trên khắp các phố phường, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và mong một ngày chiến thắng đại dịch. Ảnh: Quang Hùng
Dù không chống đối, nhưng họ nhất định không chịu mở cửa, bên ngoài còn có 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc luôn chĩa súng vào ta. Hai bên giằng co hồi lâu mà không có kết quả, lúc này, đồng chí Thái Hi vội chạy tới Bờ Hồ để gặp các chị em thuộc Đội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu để yêu cầu họ chọn 10 người đến Trại Bảo an binh để thuyết phục.
“Nhận được yêu cầu của anh Thái Hi, tôi vội chạy tìm một chiếc sào để treo lá cờ cầm tay, đi đến đầu Tràng Tiền thì bị ngăn lại, tôi cầm lá cờ và cứ thế xông tới. Anh em lính bảo an mở cửa ngách để chúng tôi vào, gặp ông Quản Liên là người chỉ huy cao nhất ở đó, ông cười bảo, chúng tôi đang chờ xem cách mạng tiếp quản như thế nào, ai ngờ lại là 4 cô thiếu nữ. Rồi ông Quản Liên cho người dẫn cán bộ cách mạng đi tiếp quản kho súng để phát cho anh em tự vệ. Chúng tôi lúc ấy rất đói, liền đi lấy gạo, hái rau dại và quả sấu trong sân trại để nấu ăn, lính bảo an và anh em tự vệ cùng ăn với nhau, không khí rất hòa hợp”, bà Phan Thị Phúc nhớ lại.
Mơ về ngày chiến thắng
Những ngày này, các y bác sĩ tuyến đầu là những lực lượng vất vả nhất, đang căng mình cứu chữa các bệnh nhân. Dân tộc Việt Nam cùng đồng lòng chiến đấu và hy vọng sớm chiến thắng đại dịch covid-19. Ảnh: TTXVN
Có lẽ với những người phất cờ hồng như Đại tướng Nguyễn Quyết và bà Phan Thị Phúc sẽ không thể nghĩ rằng vào mùa thu này đất nước lại có những “biến động”, có những khó khăn, thử thách không khác gì cách đây 76 năm về trước. Nếu như quân địch năm ấy với vũ khí tối tân, tinh nhuệ thì “quân địch” năm nay lại vô hình, lại lẩn khuất trong “bóng tối” mà chúng ta không thể lường trước được mọi sự nguy hiểm của chúng. Người đứng đầu Chính phủ từng nêu ra thông điệp “Chống dịch như chống giặc” ngay khi đất nước bước vào “cuộc chiến” mới, nghĩa là dịch cũng như giặc, cũng cần phải chống với tinh thần, ý chí và quyết tâm cực lớn.
Lịch sử đã chứng minh đất nước ta, dân tộc ta có kinh nghiệm chống giặc hàng nghìn năm với những chiến lược, kế sách phù hợp với từng thời kỳ và đối với từng thế lực xâm lược. Những “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc” của Lý Thường Kiệt thế kỷ XI; những “Vườn không nhà trống” thời Trần thế kỷ XIII; những trận Bạch Đằng (3 lần) vang dội gắn với tên tuổi của Ngô Quyền (938), Lê Hoàn (981), Trần Quốc Tuấn (1288); những “Chiến tranh nhân dân” gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thế kỷ XX… là những minh chứng hùng hồn nhất.
Trong “cuộc chiến” có thể coi là đầu tiên của thế kỷ XXI này, “quân địch” mang tên Covid-19 là “kẻ thù đáng sợ” với không chỉ Việt Nam mà còn với toàn nhân loại. Ảnh minh họa: báo Hà Nội mới
Trong “cuộc chiến” có thể coi là đầu tiên của thế kỷ XXI này, “quân địch” mang tên Covid-19 là “kẻ thù đáng sợ” với không chỉ Việt Nam mà còn với toàn nhân loại. Chính phủ đã thay đổi chiến lược từ phòng ngự sang tấn công, từ “5K” đến “5K+Vắc-xin+Công nghệ” nhưng “kẻ thù” lại luôn “biến thể” với sức mạnh và mức độ nguy hiểm gấp nhiều lần. Và tất nhiên những nỗ lực của chúng ta sẽ đổ xuống sông, xuống biển nếu như ý thức người dân không được nâng lên. Một lần nữa chúng ta lại nhắc đến “Chiến tranh nhân dân” (toàn dân tham gia chống “giặc”) như cái cách mà chúng ta đã từng đánh thắng những đế quốc hùng mạnh phương Tây.
Mùa thu này, mỗi lần đi làm qua Quảng trường Ba Đình, tôi lại đang hình dung ra cả biển người rực rỡ cờ hoa, với những tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được giơ lên cao một cách trang nghiêm cùng lời ca, giai điệu hùng tráng, vui tươi: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh” (“Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên)...