Từ chối học bổng du học Anh vì suy thận giai đoạn cuối
Từ bỏ học bổng thạc sĩ du học Anh vì căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, Mai Uyên vừa đấu tranh với bệnh vừa cố gắng thực hiện ước mơ làm giảng viên và đi du học.
Từ đầu năm 2021, Trần Hà Mai Uyên (27 tuổi, sống tại TP.HCM), cựu sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, đã gửi rất nhiều hồ sơ xin học bổng đến các trường ở Anh. Đến giữa năm 2021, giữ lúc khấp khởi hy vọng đạt được học bổng thì Mai Uyên phát hiện mình mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối.
“Sau khi lên mạng tham khảo rất nhiều tài liệu, mình hốt hoảng nhận ra suy thận là bệnh không chữa được, và ghép thận chỉ là một trong những biện pháp duy trì sự sống”, Mai Uyên nói với Zing.
Từ lúc mắc bệnh, Mai Uyên tạm dừng việc viết kế hoạch du học, nhưng nào ngờ ngôi trường duy nhất mà cô kịp gửi đơn xin học bổng lại thông báo cô trúng tuyển.
“Mình đau buồn về sức khỏe bao nhiêu thì thất vọng, tiếc nuối cho ước mơ du học và mọi sự chuẩn bị nhiều năm của mình bấy nhiêu”, Mai Uyên chia sẻ.
Giấc mơ du học trở thành giấc mơ được ghép thận
Theo lời khuyên của bác sĩ, trong 2 tuần đầu, Mai Uyên uống rất nhiều thuốc và hạn chế nước. Tuy nhiên, tình trạng vẫn không khả quan nên từ tháng 4/2021 bác sĩ yêu cầu cô chuyển sang chạy thận.
“Khi nghe đến từ ‘chạy thận’ mình cảm thấy rất sợ. Điều đầu tiên hiện trong đầu mình là hình ảnh những người lớn tuổi với cơ thể bị sưng to đang nằm trên giường bệnh. Uống thuốc không hết, sinh thiết thận và chạy thận cũng không hồi phục, mình quyết định ghép thận để trở về cuộc sống bình thường. Có đến 7 người thân muốn ghép thận cho mình nhưng chỉ có thận của mẹ là phù hợp”, Mai Uyên chia sẻ.
Trong suốt quá trình trị bệnh từ uống thuốc, chạy thận đến ghép thận, Mai Uyên mất hơn 600 triệu. Trong đó, một nửa số tiền do bạn bè hỗ trợ và một nửa là tiền cô để dành cho việc du học. Trong thời gian chạy thận cô vẫn đi dạy.
Mai Uyên cho biết từ khi mắc bệnh, cô rất sợ thời gian trôi qua. Cô cảm thấy mình cần sống vội hơn một chút cũng như trân trọng từng phút từng giây để học tập và làm việc.
“Mình chạy thận ngay lúc Việt Nam cách ly do dịch Covid-19. Lúc đó, mình vừa trị bệnh vừa dạy học online ở nhà. Đến đầu năm nay, sau khi ghép thận thành công, mình có khoảng thời gian dài dưỡng bệnh tại nhà. Vì thế, mình bắt đầu quay lại dạy online và tìm thêm khóa học để nâng cao kỹ năng giảng dạy”, Mai Uyên nói thêm.
Khi tình hình sức khỏe ổn định hơn và có thể di chuyển đến chỗ làm, Mai Uyên tiếp tục giảng dạy tiếng Anh trực tiếp. Cô vừa đi dạy vừa học thêm một khóa về ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
“Mỗi lần đi dạy, được gặp học trò mình không thấy mệt mỏi chút nào, các con như ‘vitamin’ giúp mình có nhiều năng lượng tích cực và phấn chấn tinh thần hơn”, Mai Uyên chia sẻ. Cô từng nhận lời mời giảng dạy cho chương trình liên kết của một đại học tại TP.HCM và Đại học Birmingham City của Anh, nhưng do lịch tái khám của bác sĩ không cố định và sợ ảnh hưởng đến lịch dạy, cô từ chối cơ hội này.
Thái Oanh, quản lý học thuật tại nơi Uyên đang làm việc, nhận xét Mai Uyên là người lo lắng và quan tâm học viên của mình.
"Uyên là người rất có trách nhiệm. Trước khi nhập viện, Uyên tìm cách sắp xếp công việc chu toàn để không ảnh hưởng đến các giáo viên dạy thay", chị Oanh chia sẻ.
Vừa học vừa trị bệnh
Vào đầu tháng 9, Mai Uyên cuối cùng đã có thể bắt đầu chương trình cao học mà cô mong ước, dù không thể rời Việt Nam. Uyên theo học ngành thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng và Phương pháp của trường đại học ở Anh. Đây là chương trình học online trong suốt 2 năm, nên Mai Uyên có thể vừa học vừa làm và tiếp tục trị bệnh.
“Căn bệnh này cướp đi sức khỏe và nhiều cơ hội của mình. Mình cũng từng bị trầm cảm và có suy nghĩ tiêu cực. Nhưng những suy nghĩ đó nhanh chóng bị dập tắt bởi những giấc mơ còn dang dở, bởi sự yêu thương và giúp đỡ của bạn bè, người thân, và bởi khát vọng cống hiến”, Mai Uyên cho biết.
Tuyết Trinh (27 tuổi, sống tại TP.HCM), bạn thân của Mai Uyên từ đại học, nói rằng ngay cả bây giờ, dù đang chiến đấu với bệnh, Mai Uyên vẫn chưa một ngày nào cho bản thân nghỉ ngơi hoàn toàn vì cô vẫn còn mẹ, còn công việc, còn ước mơ chưa thực hiện được.
"Uyên luôn cầu tiến, làm gì cũng quyết tâm chứ chưa bao giờ từ bỏ giữa chừng", Trinh nói.
"Trước khi mắc bệnh, mình khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mình có công việc tốt, thu nhập ổn định và việc học cũng suôn sẻ. Kể từ lúc mắc bệnh, mặc dù vẫn có thu nhập ổn định hàng tháng nhưng đa phần phải chi cho tiền thuốc. Nhưng mình sẽ không bỏ cuộc, tạm thời mình học online trước, nếu sức khỏe vẫn cho phép thì mình sẽ học lên cao nữa ở nước ngoài", Mai Uyên nói.