Từ chối học hàm giáo sư...
Một nhóm trí thức trong số 16 người bị trượt chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019 đã gửi đơn lên cấp có thẩm quyền, bày tỏ sự ấm ức đồng thời cho rằng việc xét chọn của Hội đồng GS Nhà nước không công bằng.
Ở chiều ngược lại, trong số 75 người đạt đủ phiếu tín nhiệm để công nhận chức danh GS năm 2019, một vị đã gửi đơn xin rút, không muốn được công nhận học hàm này.
Ứng viên này sinh năm 1974, đang là cán bộ quản lý cấp phòng của một trường ĐH ở Hà Nội, thuộc lĩnh vực liên ngành Khoa học trái đất - Mỏ. Đáng nói, người xin đề nghị không phong GS cho mình là ứng viên được Hội đồng liên ngành đánh giá tốt về chuyên môn, đã được bổ nhiệm chức danh PGS cách nay đúng 10 năm. Năm nay, hồ sơ phong GS của ứng viên này rất sáng sủa về nhiều mặt…
Chưa hiểu lý do thực sự vì sao vị PGS trên xin rút khỏi danh sách ứng viên GS song có thể nói đó là chuyện lạ. Lạ vì hồ sơ khoa học được đánh giá rất chất lượng, lạ bởi "đi ngược gió" - trong lúc bao nhiêu người mong mỏi có danh vị, thậm chí bị trượt khi xét chọn đã kiện cáo ì xèo, đằng này ứng viên kia đã từ chối sự vẻ vang.
Dù là bởi lý do gì đi nữa, trường hợp từ chối kể trên hẳn khiến nhiều người phải soi lại mình, nhất là những kẻ học đòi, sính bằng cấp, trọng danh vị. Học hàm GS là cao quý, chắc chắn giúp cho người ta hanh thông sự nghiệp, mà người ta còn từ chối, vậy thì những trường hợp mua bằng cấp, chạy học vị hòng chui sâu, leo cao hãy nhìn vào đó mà tự vấn, mà xấu hổ…
Thực tế, có những bậc thức giả không học vị, chẳng học hàm mà cực giỏi, có nhiều cống hiến xuất sắc cho đời sống. Cũng có cả những người là "PGS, GS nhân dân", tức là được quần chúng nhân dân yêu quý mà phong tặng. Điển hình như thầy Hoàng Ngọc Hiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông có học vị tiến sĩ, làm thầy của bao nhân sĩ trí thức, lắm học trò tưởng ông là GS và cung kính gọi như thế. Khi biết sự thật, có người từng đề nghị làm hồ sơ chức danh PGS cho ông nhưng ông từ chối, bảo chỉ vậy là đủ rồi… Quả là càng giản dị, càng mộc mạc càng đáng kính.
Nhưng tìm đâu ra nhiều gương sáng như thế. Vẫn còn rất, rất nhiều người đã thực hiện nhiều chiêu bài trí trá để tiến thân, làm giàu. Mới đây, một sĩ quan hàm thượng tá, cấp trưởng phòng thuộc Công an tỉnh Lai Châu bị tước danh hiệu Công an nhân dân do sử dụng bằng cấp giả; hay như trường hợp của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật: Trần Thị Ngọc Thảo) chưa có bằng cấp ba, đã lấy bằng và tên tuổi của chị gái để từng bước leo lên ghế trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sự việc vỡ lở sau nhiều năm và mới đây nhiều quan chức liên đới vụ này bị kỷ luật…
Từ đó thấy rằng thực tế cuộc sống đa chiều kích hôm nay tựu trung một điều: Thực lực và thực học mới đem lại kết quả và đóng góp thực chất, còn danh vị chỉ là thứ yếu, điều cần phải tránh đó là hữu danh vô thực.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tu-choi-hoc-ham-giao-su-20191130224230054.htm