Từ chối nghỉ lễ 30/4 cùng sếp và đồng nghiệp
Thanh Thương (TP.HCM) đang ở thế cảnh khó xử. Cô nhận thông tin công ty tổ chức team building trùng dịp lễ 30/4-1/5 ngay sau khi 'chốt' chuyến du lịch cùng bạn bè.
Nhận lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 trong 5 ngày, Thanh Thương (26 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) háo hức lên kế hoạch đi Phan Thiết (Bình Thuận) cùng hội bạn thân. Cô và 5 người bạn quyết định chọn điểm du lịch gần, có thể di chuyển bằng limousine để cắt giảm khoản chi cho vé máy bay.
Khi vừa hoàn tất việc đặt vé xe, phòng khách sạn, Thương nhận tin công ty tổ chức team building tại Vũng Tàu trong kỳ nghỉ. Chương trình kéo dài 2 ngày 1 đêm, trùng với thời gian cô dự định đi chơi với bạn bè.
Thanh Thương rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, phải lựa chọn giữa bạn bè và đồng nghiệp. Nếu không đi du lịch cùng công ty, nữ nhân viên văn phòng không nhận được phúc lợi tài chính thay thế.
Ngược lại, nếu từ chối tham gia chuyến đi biển cùng hội bạn thân, cô cũng mất tiền đặt phòng, vé xe limousine.
“Quan trọng là tình cảm. Tôi cũng khá thân thiết với đồng nghiệp, lại thấy mọi người háo hức nên ngại vắng mặt”, Phương nói.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày trở thành dịp lý tưởng để các công ty tổ chức du lịch tập thể Một số doanh nghiệp tranh thủ gói gọn lịch trình vui chơi trong 2 ngày, để nhân viên nghỉ ngơi trong 3 ngày còn lại.
Phương án trên giúp thời gian làm việc sau lễ của công ty không bị gián đoạn, song lại làm mất lòng nhiều nhân sự. Thanh Thương và một số người lao động khác cho rằng kỳ nghỉ này là cơ hội để ở bên gia đình, bạn bè, không muốn tiếp tục dành thời gian cho tổ chức.
Nhân sự không muốn ‘nghỉ lễ’ với đồng nghiệp
Khác với Thanh Thương, Tuấn Trần (29 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không có ý định đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ. Kỹ sư này muốn ở nhà nghỉ ngơi sau khi hoàn thành một dự án lớn, đồng thời tiết kiệm tiền chuẩn bị mua chiếc ôtô đầu tiên.
Tuy nhiên, kế hoạch nghỉ lễ của Tuấn bị đảo lộn khi công ty thông báo tổ chức team building vào 2 ngày 30/4 và 1/5. Cụ thể, doanh nghiệp của anh tổ chức cho 50 nhân sự đi du lịch Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).
Theo thông báo của bộ phận nhân sự, công ty chỉ hỗ trợ vé máy bay và phòng khách sạn. Chi phí ăn uống, tham quan do nhân viên tự chi trả.
Ban đầu, Tuấn Trần dự định từ chối tham gia, viện lý do gia đình có việc riêng. Song, quản lý trực tiếp của anh liên tục thuyết phục, muốn anh tham dự để ăn mừng hoàn thành dự án lớn trong năm.
Ngại nói không với cấp trên, anh đành gật đầu đồng ý, bấm bụng chỉ trả thêm tiền cho chuyến đi ngoài kế hoạch. Theo Tuấn nhẩm tính, tổng chi phí ăn uống, nhậu, vui chơi, chuẩn bị trang phục có thể lên đến hơn 5 triệu đồng.
“Tôi vừa thiếu thời gian nghỉ ngơi, vừa phải trích quỹ tiết kiệm mua xe hơi khi đồng ý góp mặt trong chuyến team building này”, kỹ sư 29 tuổi thẳng thắn chia sẻ.
Không do dự như Thanh Thương hay bị thuyết phục như Tuấn Trần, Hải Anh (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) quyết tâm từ chối chuyến du lịch do công ty tổ chức vào kỳ nghỉ lễ 5 ngày. Hải Anh không quá thân thiết với đồng nghiệp, ngại cười nói xã giao trong thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi này.
“8 tiếng mỗi ngày ở văn phòng là quá đủ với tôi. Ngày lễ, tôi không muốn tiếp tục gặp gỡ đồng nghiệp, lãnh đạo, nói chuyện công việc”, Hải Anh nói.
Dù không bắt buộc toàn bộ nhân sự tham gia, các cấp quản lý của Hải Anh vẫn tìm cách động viên từng nhân viên, thể hiện sự thất vọng khi cô không góp mặt. Nữ nhân viên văn phòng phải từ chối đến lần thứ 3 mới không bị gọi tên nữa.
Lãnh đạo, HR khó xử
Đức Trung (32 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), lãnh đạo cấp cao của một agency quảng cáo, là người đưa ra ý tưởng tổ chức team building cho nhân sự trong dịp lễ. Nhận thấy kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày, anh cho rằng thời gian này đủ để nhân viên vừa đi du lịch cùng công ty, vừa thoải mái nghỉ ngơi.
Với đặc thù làm việc liên tục với khách hàng, đối tác, nhà thầu, Đức Trung không muốn toàn bộ nhân sự đột ngột ngưng công việc trong 2-3 ngày phục vụ mục đích du lịch nội bộ. Hơn nữa, một số vị trí như nhân viên chăm sóc khách hàng, account marketing cũng không thể thoải mái tắt điện thoại, cất laptop trong chuyến đi diễn ra vào ngày thường.
“Tôi đã hứa tổ chức chuyến đi Sa Pa (Lào Cai) cho nhân sự, nên phải giữ lời. Để đảm bảo phúc lợi này cho nhân viên đồng thời không khiến guồng công việc bị gián đoạn, tôi đành tận dụng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5”, Trung chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Trước khi đưa ra quyết định này, Đức Trung đã khảo sát ý kiến của tập thể. Biết rằng phần lớn nhân viên không có kế hoạch đi du lịch do giá vé máy bay đắt đỏ, anh mới thông báo tổ chức team building.
Trung mong muốn nhân viên góp mặt đầy đủ nên sẽ khuyến khích, động viên cấp dưới. Tuy nhiên, nếu nhân sự dưới quyền có việc cá nhân, gia đình, anh không không gây khó dễ hay ép buộc tham gia.
Chuyên viên hành chính - nhân sự Trang Đào (28 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) bị đưa vào thế khó khi được chỉ đạo tổ chức du lịch công ty trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày. Cô loay hoay đứng giữa lãnh đạo và nhân viên.
Trong khi cấp trên mong muốn tỷ lệ nhân sự tham gia chuyến đi đạt trên 80%, phần lớn người lao động lại bày tỏ thái độ chán nản, thậm chí phản đối thời điểm tổ chức team building. Bài toán thuyết phục người tham gia khiến Trang đau đầu suốt 1 tháng nay.
Hiểu rằng nhân viên mong muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè trong dịp lễ, Trang Đào không thể ép buộc. Cô đành trích một phần chi phí tổ chức du lịch để chuẩn bị quà tặng hiện vật và tiền mặt cho các cá nhân tham gia chuyến đi, góp mặt trong gala dinner.
Đồng thời, chuyên viên nhân sự này cũng nỗ lực tìm kiếm những điểm đến hấp dẫn, xây dựng chương trình thú vị nhằm thu hút người lao động tham dự.
“Tôi đã làm hết khả năng. Song, chuyến đi lý thú cũng khó khiến nhân sự hy sinh kỳ nghỉ lễ dài ngày hiếm hoi trong năm”, Trang nói với Tri thức - ZNews.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tu-choi-nghi-le-304-cung-sep-va-dong-nghiep-post1470759.html