Từ chối nhận hỗ trợ, chia sẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn

Những ngày gần đây, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiến hành rà soát, thống kê để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, điều đáng ghi nhận, nhiều người dù thuộc diện được thụ hưởng chính sách nhưng đã chủ động không nhận hỗ trợ, mong muốn được chia sẻ, giảm bớt phần nào khó khăn với Nhà nước.

Chủ động khắc phục khó khăn

Gia đình bà Trần Thị Mận, chủ quán cà phê Home ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa) là một trong những hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi được cán bộ UBND phường rà soát, lập danh sách, bà Mận đã tự nguyện rút tên để nhường suất hỗ trợ lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

 Bà Trần Thị Mận, chủ quán cà phê Home ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa) là một trong số những hộ kinh doanh tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ

Bà Trần Thị Mận, chủ quán cà phê Home ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa) là một trong số những hộ kinh doanh tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ

Bà Mận cho biết: “Sau khi tìm hiểu hướng dẫn về các đối tượng được nhận hỗ trợ từ chính sách, bản thân tôi nhận thấy gia đình mình tuy cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn có thể chủ động khắc phục khó khăn. Với lại, tôi thấy trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên quyết định nhường suất hỗ trợ lại cho người khác”.

Tương tự, với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với Nhà nước, anh Nguyễn Xuân Thái, chủ quán cà phê Zone ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (TP. Gia Nghĩa) cũng tự nguyện làm đơn để không nhận hỗ trợ.

Theo anh Thái, trước đây mỗi ngày, quán cà phê của anh bán được khoảng 200- 300 ly cà phê và các loại nước uống giải khát khác. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3, việc kinh doanh gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 và đến đầu tháng 4, quán đóng cửa hẳn để thực hiện chủ trương cách ly toàn xã hội và chỉ mở lại cách đây vài ngày.

Anh Thái cho biết: “Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của quán cũng như thu nhập của gia đình. Mặc dù vậy, tôi vẫn có thể cố gắng vượt qua khó khăn. Không chỉ riêng tôi mà một số cơ sở kinh doanh khác cũng có suy nghĩ như vậy, muốn dành sự hỗ trợ này cho các đối tượng khó khăn hơn, đặc biệt là người bán vé số, người thu mua ve chai…”.

Không chỉ cơ sở kinh doanh mà qua tìm hiểu được biết, trong quá trình rà soát, thống kê, nhiều đối tượng là lao động tự do trên địa bàn cũng tự nguyện không nhận sự hỗ trợ của Chính phủ.

Đơn cử như gia đình anh Vũ Quốc Huy ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (TP. Gia Nghĩa), hai vợ chồng đều là lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố. Từ đầu tháng 4, các cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, cũng như nhiều lao động khác, hai vợ chồng anh Huy rơi vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập. Nhận thấy bản thân vẫn có thể chủ động khắc phục khó khăn từ nguồn tiền tiết kiệm nên vợ chồng anh Huy quyết định không đăng ký nhận hỗ trợ.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội

Theo ông Trần Thanh Luyện, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung, trong quá trình rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, địa phương nhận thấy một số hộ gia đình, người lao động thuộc diện được hỗ trợ nhưng điều kiện kinh tế vẫn bảo đảm cho cuộc sống do có thu nhập từ một số nguồn khác như rẫy vườn, tiền tiết kiệm… Đối với những gia đình, cá nhân này, các tổ trưởng tổ dân phố cũng như đoàn thể xã hội cũng lồng ghép tuyên truyền, vận động để khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội trong tình hình khó khăn chung.

Ông Luyện cho biết: “Chính sách hỗ trợ của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn đối với người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc tập trung rà soát để hỗ trợ đúng đối tượng, tôi cho rằng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm với xã hội. Nếu bản thân và gia đình vẫn đủ điều kiện bảo đảm cuộc sống thì không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ mà cần chủ động khắc phục khó khăn”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tường Vy, Phó Trưởng Phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) cũng cho biết: “Qua nắm bắt thực tế, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng nhường sự hỗ trợ cho người dân khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Chúng tôi cho rằng, việc các hộ gia đình tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ là hành động đẹp, hết sức ý nghĩa trong thời điểm này, không những thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội mà còn chung tay, tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

Thực tế cho thấy, dù mỗi gia đình, cá nhân có các điều kiện kinh tế, hoàn cảnh khác nhau, nhưng hành động đẹp của họ thực sự là việc làm đầy ý nghĩa, nhân văn khi chủ động vượt qua khó khăn, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài, ảnh: Vũ Trang

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/tu-choi-nhan-ho-tro-chia-se-cho-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-hon-79555.html