Từ chối rượu bia một cách tế nhị, văn minh
1. Tôi có người bạn từ thời học phổ thông cùng ở trên thành phố. Thi thoảng bạn bè vẫn gặp nhau hàn huyên chuyện ở quê, chuyện gia đình, công việc. Đã thành lệ, 'quê' thường hay gắn với 'quán', mỗi dịp gặp nhau chúng tôi hẹn ở một địa điểm ăn uống nào đó cho tiện, đỡ phải về nhà chuẩn bị lích kích.
Lần gặp gần đây, tôi và bạn đến một quán ăn quen thuộc. Cô nhân viên phục vụ thấy khách ngồi vào bàn liền lễ phép ra hỏi ăn món gì và uống loại gì. Chỉ xong vài món, bạn bảo đồ uống cứ từ từ, mang trước cho âu trà đá. Trong lúc chờ đồ ăn, bạn tự tay rót cho tôi cốc trà đá mát lạnh rồi thành thực nói rằng: “Dạo này tôi kiêng “cái ông tửu” bạn ạ!”. Thấy lạ, tôi hỏi lại: “Kiêng với cữ gì, ông là hay nhậu nhẹt lắm mà, bạn bè gặp nhau làm tý cho vui. Hay trước khi đi chưa xin phép vợ à?”. Bạn phân trần: “Phép với tắc gì đâu, chỉ là giữ sức khỏe bản thân thôi. Cũng tại trước uống rượu, bia nhiều quá nên xuất huyết dạ dày mấy lần, phải vào viện. Giờ thì đỡ rồi nhưng tôi vẫn dùng tinh bột nghệ với mật ong cho lành bụng. Thêm nữa đợt tới dự định “tuyển quân” cho vợ vui nên cần giữ gìn sức khỏe. Ngày trước có một mình vui chơi ăn uống quá đà, giờ có gia đình, nghĩ đến vợ con nên cũng hạn chế đi nhiều”.
Nghe lời tâm sự chân thành, tôi động viên bạn cố giữ sức khỏe và “tuyển quân” cho tốt. Việc nhậu nhẹt cũng chẳng sung sướng gì, nhất là những khi đi ra ngoài hay phải làm việc có chút hơi men vào là khó điều chỉnh hành vi, rất dễ sai sót, mất an toàn. Được tôi chia sẻ, bạn thấy vui hơn, thế nên dẫu không có “cái vị cay cay nồng nồng” nhưng câu chuyện vẫn sôi nổi. Mặc cho những thực khách xung quanh mải miết “zô...zô...” ồn ĩ, chúng tôi chỉ chạm nhẹ cốc trà đá vàng sóng sánh. Và dĩ nhiên hóa đơn thanh toán hôm đó không có chữ rượu, bia. Cuối buổi cả hai cùng vui vẻ ra về.
2. Quê tôi ở vùng ngoại thành. Một năm có mấy cái giỗ quan trọng nên con cháu từ thành phố về tề tựu đông đủ. Anh em họ hàng người ở quê, người ở phố lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng trò chuyện rôm rả. Giỗ là dịp tưởng nhớ người đã khuất và cũng là dịp gia đình đoàn tụ. Thế nên lần nào bà tôi cũng làm gần chục mâm cỗ. Đã thành thông lệ, dù là cỗ giỗ cũng đủ 3 bát 6 đĩa và đương nhiên sẽ có thêm chai nút lá chuối ngà ngà đục. Đó là thứ rượu nếp do người trong xóm nấu, được quảng cáo là uống không đau đầu, nấu ra tới đâu bán hết tới đó. Thế nhưng “rượu nhạt uống lắm cũng say”. Có lần anh em chúc tụng nhau say bò lê bò càng, nôn thốc nôn tháo ra nhà. Dịp sau gặp lại cũng vậy, người trên thành phố không đi xe được, phải ở quê thêm một ngày nữa thành ra công việc bị lỡ dở.
Đó là những chuyện từ nhiều năm trước, từ đầu năm 2020 đến nay thì lại khác. Vẫn đúng giỗ con cháu nhớ ngày là về. Cỗ được chuẩn bị đầy đủ tươm tất. Khi ngồi vào bàn ăn, nhìn qua một lượt, thấy bên cạnh chai nút lá chuối có thêm những lon nước ngọt. Mấy bác ở quê rót rượu ra mời thì cậu em ở thành phố từ chối khéo: “Thôi bác ạ, tý nữa em còn phải đi đường. Uống rượu vào công an mà dừng xe lại là phạt vẹt niêu cơm đấy ạ!”. Bác cả rổn rảng: “Các chú uống tý, không lại bảo về quê thiếu rượu, con cháu được ngày giỗ ông phải làm chút cho khí thế chứ!”. Chú em làm nghề tài xế taxi giải thích: “Biết là đất lề quê thói, nhưng Nghị định 100 của Chính phủ ban hành rồi, toàn dân phải thực hiện thôi. Giờ đi đường mà uống rượu bia, tự mình cũng thấy bất an. Như em lái ô tô, nhỡ ra một phát lại phạt mấy chục triệu như chơi ạ!”.
Cảm thông với nỗi niềm đó, bác cả động viên: “Các chú nói có lý lắm, chúng tôi có lời mời cho đẹp, không sau này các chú lại trách. Chứ giờ rượu bia ai thích gì, tai nạn, bệnh tật, gây gổ đánh nhau cũng từ say xỉn mà ra, thế nên người ta cũng hạn chế đi nhiều rồi. Giờ ở quê cũng văn minh hơn, bữa cỗ có đủ nước ngọt, nước uống tinh khiết, tùy theo nhu cầu sử dụng, không ai ép ai đâu”. Nghe bác cả nói vậy, anh em đều phấn khởi nâng những cốc nước ngọt lên chạm vào nhau lách cách. Các bà, các mẹ ngồi mâm kế bên cũng vui lây vì không còn sợ cảnh say tít cung mây như những dịp giỗ trước.
3. Có hàng trăm lý do để con người tìm đến với rượu bia: Vui cũng uống mà buồn cũng uống, gặp gỡ, giao lưu, hội hè, tiếp khách, đám cưới, đám ma, làm nhà, đám giỗ... Tùy theo góc độ tổ chức sự kiện diễn ra thế nào thì mức độ uống tương ứng thế đó. Nhiều lý do để uống nhưng lý do để từ chối thì lại rất ít. Đa phần vì nể nang, vì ham vui, vì muốn thể hiện nên cứ “tặc lưỡi” uống mà không quan tâm đến hậu quả thế nào. Do đó, việc tham gia hay từ chối uống rượu bia, ngoài yếu tố khách quan tác động còn lại điều cốt yếu vẫn là ý thức chủ quan của mỗi người. Trước mỗi cuộc vui có rượu bia, nếu người tham gia chủ động về tư thế, tâm thế sẽ có cách ứng xử phù hợp.
Hai câu chuyện trên là một ví dụ: Câu chuyện thứ nhất vì lý do sức khỏe bản thân để từ chối uống rượu. Câu chuyện thứ hai là từ quy định của pháp luật mà người tham gia tự kiềm chế bản thân khi tham dự cuộc vui có rượu bia. Từ chối rượu bia-chuyện tưởng bình thường nhưng cũng không phải dễ khi tâm lý ham vui, nài ép nhau vẫn còn phổ biến trong mỗi cuộc ăn uống, tiệc tùng. Thế nên để hạn chế rượu bia trong cộng đồng thì điều nên làm là nâng cao ý thức của người dân, giúp họ thấy được tác hại của rượu bia, coi việc nài ép uống say là một thói quen xấu, một hủ tục cần loại bỏ trong đời sống xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật với chế tài xử lý nghiêm, đủ sức răn đe cũng là cơ sở quan trọng để người dân tự giác thực hiện. Từ đó sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan và đương nhiên người tham gia những cuộc vui sẽ có thêm những lý do để từ chối rượu bia một cách khéo léo, tế nhị. Từ chối rượu bia lịch sự chính là cách ứng xử văn minh trong sinh hoạt, giao tiếp xã hội.
Thiếu tá VŨ VĂN DUY (*)
(*) Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân