Tự chủ bệnh viện công: Minh bạch về tài chính sẽ đi đúng hướng
Câu chuyện tự chủ bệnh viện (BV) công đang là mối quan tâm của dư luận. Những nguyên nhân gây khó đã được các BV chỉ ra là chưa có cơ chế. Còn theo ý kiến của các chuyên gia, chỉ nên thực hiện tự chủ toàn diện khi các điều kiện đã chín muồi.
Cần sớm gỡ khó về cơ chế tài chính
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các BV tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan đến cơ chế tài chính. Với BV tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kỹ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, BV sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lý giá.
Theo ông Quang, về quy định thì BV tự chủ toàn diện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Hay về tổ chức bộ máy quy định BV tự chủ toàn diện thì được thuê giám đốc nhưng giám đốc lại đang nhận lương theo thang, bảng lương của Nhà nước. Điều này khác với tự chủ ở BV tư, theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, còn BV công được quản lý theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Quang cho rằng, trên thực tế, rõ ràng chủ trương và mong muốn có được thể chế pháp lý để thực hiện tự chủ thí điểm BV, nhưng hiện tại đang vướng một số luật khác nhau như Luật Đầu tư không đề cập về đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc… là những thứ đặc thù, tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện. Qua rà soát, hiện nay, thiết bị y tế cả nước thiếu 73%, vật tư y tế thiếu 75%. Như vậy, toàn tuyến y tế từ Trung ương cấp tỉnh, huyện, xã thiếu tới 73 - 75% thiết bị, vật tư y tế. Đây là con số đáng báo động.
Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Huy Quang cho rằng nên dừng thí điểm BV tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, dừng lại không có nghĩa là chấm dứt việc xác lập và xây dựng mô hình BV tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ toàn điện khi các điều kiện đã chín muồi trong đó có các thể chế pháp lý đầy đủ như đã nêu phía trên.
Liên quan nội dung này, tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các BV công. Ông Phớc nêu vấn đề: Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các BV không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị đánh giá, sắp xếp lại các BV công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.
Cần rõ ràng về tài chính
Tại hội nghị đại biểu chuyên trách thảo luận dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cuối tuần qua, liên quan đến cơ chế tài chính của BV công, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề xuất, cần làm rõ, minh bạch về tài chính từ đó giúp cho các BV công đi đúng hướng, tránh vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - các BV tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các BV công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng.
Về nội dung cụ thể, bà Hà có ý kiến bổ sung vào Điều 4 chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh như sau: Bổ sung thêm cụm từ “đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển” vào ý đầu tiên của Điều 4: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Theo bà Hà, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển đã được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết Trung ương 20 cũng chỉ rõ, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả, có nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Nhị Hà cũng yêu cầu bổ sung khoản 8 vào Điều 4 giao Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở y tế về vay vốn, miễn giảm thuế, bổ sung kinh phí khi nguồn thu bị sụt giảm không đảm bảo chi cho các hoạt động của cơ sở y tế. Cụ thể là Chính phủ ban hành các chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở y tế để đầu tư cách trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện; Bổ sung kinh phí đảm bảo cho hoạt động của BV khi thu không đủ bù chi chuyên.