Tự chủ đại học: Không thể thiếu kiểm định chất lượng và giám sát từ xã hội
Tự chủ đại học không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là động lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy đổi mới quản trị và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý, đây là nguyên tắc được các chuyên gia khẳng định trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục đại học, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhấn mạnh rằng trong bối cảnh mới, nhà nước cần đóng vai trò "kiến tạo", tập trung xây dựng hệ thống chuẩn mực về cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Thay vì tiền kiểm cứng nhắc, cần đẩy mạnh hậu kiểm để giám sát hiệu quả và thực chất hơn. Cùng với đó là việc thiết lập văn hóa đảm bảo chất lượng nội sinh và đổi mới mô hình quản trị tại các trường công lập.

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực:
Ở góc nhìn thực tiễn, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an cho rằng, đánh giá chất lượng giáo dục đại học không thể chỉ dừng lại ở những bộ tiêu chí hành chính. Thước đo thực chất phải đến từ nhu cầu và phản hồi của thị trường lao động – nơi sinh viên tốt nghiệp có khả năng đáp ứng công việc ra sao, doanh nghiệp và cơ quan tuyển dụng đánh giá thế nào.

Trung tướng GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm – Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo các chuyên gia, kiểm định chất lượng không nên chỉ là một thủ tục kỹ thuật, mà cần được tái thiết như một phần quan trọng trong hệ sinh thái tự chủ. Luật Giáo dục đại học sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, trong đó tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, kiểm định chất lượng gắn với thực tiễn xã hội, và người học được đặt ở vị trí trung tâm của hệ thống giáo dục đại học.