Tự chủ đại học là xu thế tất yếu
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99). Hội nghị do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6-1 và trực tuyến tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thái Nguyên.
“Cởi trói” cho các trường đại học
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GD ĐH) năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GD ĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Để triển khai thực hiện Luật, ngày 30-12-2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, bao gồm 20 điều quy định các nội dung mà Luật đã giao Chính phủ hướng dẫn.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng đã giới thiệu về các nhiệm vụ cần triển khai theo quy định của Nghị định 99. Nghị định đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung chính căn bản về 4 nhóm vấn đề: Thứ nhất là hệ thống cơ sở Giáo dục Đại học gồm: Tên của cơ sở GD ĐH; chuyển đổi cơ sở GD ĐH tư thục sang tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở GD ĐH; liên kết các trường đại học thành đại học; công nhận cơ sở GD ĐH định hướng nghiên cứu; thứ 2 là về hội đồng trường và hiệu trưởng các cơ sở GD ĐH; thứ 3 là quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, hệ thống văn bằng, chứng chỉ GD ĐH; thứ 4 một số vấn đề khác… được Luật quy định hướng dẫn.
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo các nhiệm vụ cần triển khai theo quy định của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, với kỳ vọng Nghị định này sẽ “cởi trói” cho các trường đại học, các đại biểu đã cùng thảo luận các nội dung cần thống nhất triển khai thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học...
Tinh thần tự chủ "ngấm" đến từng người
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh việc cùng thống nhất nhận thức để cùng triển khai thực hiện và tinh thần tự chủ cần phải “ngấm” đến từng cán bộ, giảng viên nhà trường.
Theo Bộ trưởng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Trước đó, Chính phủ đã có nghị quyết cho thí điểm 23 cơ sở giáo dục ĐH. Quá trình thực hiện đã cho thấy ưu điểm nổi trội của việc thực hiện tự chủ ĐH.
Trên nền tảng xu hướng của tự chủ ĐH, dù với điểm xuất phát thấp, đầu tư thấp, phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH sống bằng học phí, nhưng GD ĐH cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nếu xét trên toàn hệ thống, giáo dục Đại học Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện thứ bậc rõ nét trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới và khu vực.
Cụ thể, giáo dục Đại học của Việt Nam xếp thứ 68/196 nước và vùng lãnh thổ, nâng 12 bậc so với 2018. Nhiều bảng xếp hạng quốc tế danh tiếng có tên của cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam.
Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ Đại học cũng đặt ra một số vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý để GD ĐH tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế.
Hội đồng trường phải thực quyền
Liên quan đến thiết chế Hội đồng trường mà nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện do nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở GD ĐH chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt".
Bộ trưởng lưu ý, thực hiện tự chủ đúng kế hoạch đề ra nhưng phải bền vững, chắc chắn, hạn chế tối đa xáo trộn, đổ vỡ. Do đó, cần thống nhất việc phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan. Trong đó, Bộ GD-ĐT, các cơ quan chủ quản tập trung vào quản lý nhà nước, không can thiệp sâu vào công tác điều hành của các trường bằng biện pháp hành chính; đề cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở GD Đại học và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công.
Việc kiện toàn Hội đồng trường theo lộ trình quy định, tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn Hội đồng trường.
Cùng với đó là tổ chức xây dựng các văn bản, quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường; trong đó đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường bảo đảm chất lượng. Trong quá trình làm cần bám sát Luật, Nghị định, bám sát các văn bản khác và tham khảo các cơ sở giáo dục ĐH khác. Bộ GD-ĐT sẽ không có hướng dẫn thêm, để các trường chủ động, nhưng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, đồng hành cùng các trường để có thể xây dựng được quy chế tốt, khả thi.
Theo Bộ trưởng, các trường cần lưu ý có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là Hội đồng trường; từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.
Cùng với đó là trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục ĐH và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công. Nhưng trước hết, vẫn phải là trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH.
Bộ trưởng tin tưởng, năm 2020 là năm bản lề thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99 để giai đoạn 2021-2025, giáo dục Đại học có những đột phá.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tu-chu-dai-hoc-la-xu-the-tat-yeu-607091