Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của 'cơ quan chủ quản' đè lên Luật?
Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiều nội dung trái với chủ trương về tự chủ đại học và Luật số 34/2018/QH14.
Tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, trong đó chỉ đạo:
"Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học.".
Đây là chính sách vô cùng tiến bộ nếu chúng ta nhớ rằng nghị quyết này được đưa ra 14 năm về trước.
Chủ trương tự chủ đại học sau đó còn được thể hiện trong nhiều nghị quyết khác như Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương Đảng; rồi từ nghị quyết này của Đảng, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP tháng 10/2014 và Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 để triển khai thực hiện việc thí điểm tự chủ để đổi mới cơ chế hoạt động và hệ thống quản lý của các trường đại học công lập.
Sau đó, Ban chấp hành trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 1/11/2016, và gần nhất là Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Từ 2005 đến 2017 đã có hơn 5 nghị quyết về vấn đề tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đã thể hiện quyết tâm cao nhất của hệ thống chính trị, của Đảng-Nhà nước trong việc phải đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công nói chung, trường đại học công nói riêng theo hướng giao quyền tự chủ hoàn toàn về cho trường đại học công để trường có thể sống còn và vươn lên.
Sau chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.
Luật số 34/2018/QH14 được xây dựng trên tinh thần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, đến ngày 16/10/2019, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đổi với cán bộ trong tổ chức công đoàn.
Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có hai trường đại học. Hai trường này vừa là đối tượng điều chỉnh của Luật số 34/2018/QH14 và các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học, vừa là đối tượng nội bộ bị điều chỉnh bởi Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ.
Tuy nhiên có một số nội dung quy định tại Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ rõ ràng trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14 mà khi áp dụng sẽ gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học này.
Những quy định trái luật, đi ngược quyền tự chủ nhân sự
Luật số 34/2018/QH14 quy định hội đồng trường của trường đại học công lập "quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ qui định Tập thể thường trực Đoàn chủ tịch “phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn...”.
Như vậy thẩm quyền theo Luật định của Hội đồng trường do Quốc hội qui định phải chăng đã bị vô hiệu hóa bằng một quy định dưới Luật của một cơ quan chủ quản ngang Bộ?
Luật số 34/2018/QH14 quy định, hội đồng trường của trường đại học công lập "quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định;".
Như vậy, chỉ chức danh hiệu trưởng thì hội đồng trường mới phải "trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm"; còn việc "bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học dựa trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học" hoàn toàn thuộc thẩm quyền của hội đồng trường.
Tuy nhiên, Điều 27, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại cho Tổng liên đoàn thẩm quyền "công nhận chức vụ phó hiệu trưởng trường đại học". Như vậy rõ ràng là Tổng liên đoàn đã cố tình qui định không đúng Luật số 34/2018/QH14 mà chúng tôi vừa dẫn; vì không thể “vô tình” làm qui định mà không tham chiếu văn bản pháp qui có liên quan để sai Luật đến 2 lần.
Luật số 34/2018/QH14 quy định, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về hội đồng trường bao gồm nội dung "thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự;".
Nói cách khác, công tác quy hoạch các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay kế toán trưởng của trường đại học công lập do hội đồng trường quyết định và bổ nhiệm.
Nhưng Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định nhân sự hiệu trưởng phải được Tổng Liên đoàn giới thiệu để bầu; Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định Thường trực Đoàn Chủ tịch quyết định công nhận Thư ký hội đồng trường, điều mà Luật số 34/2018/QH14 không hề quy định.
Cơ quan chủ quản vẫn muốn làm thay?
Ngoài quyền tự chủ nhân sự, Luật định về các quyền hạn khác của hội đồng trường đang bị tước bỏ bởi Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ như đã dẫn trên đây; công tác xem xét, kỷ luật nhân sự thuộc thẩm quyền của hội đồng trường cũng đang bị cơ quan chủ quản can thiệp.
Ví dụ, Khoản 7, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ qui định “xem xét, quyết định hình thức kỷ luật của Tổ chức Công đoàn đối với… cấp phó, kế toán trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn”.
Trong khi Khoản 1, Điều 14, Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định rõ về thẩm quyền xử lý kỷ luật, như sau:
“Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.
Theo Luật số 34/2018/QH14, thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng, kế toán trường đại học công lập thuộc về hội đồng trường, do đó thẩm quyền xử lý kỷ luật các chức danh này cũng thuộc hội đồng trường.
Nói cách khác, Khoản 7, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ đang trái với Khoản 1, Điều 14, Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản 2, Điều 37, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ qui định: “…các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm cụ thể hóa thành quy định cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị nhưng không được trái với qui định này”.
Như vậy, khi những nội dung thuộc Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trái Luật số 34/QH14 như phân tích trên, cũng như trái với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học thì 2 trường đại học trực thuộc Tổng Liên đoàn sẽ phải tuân thủ Luật số 34/2018/QH14 hay Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ?.
Nói như Khoản 2, Điều 37, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ vừa trình bày, thì các trường đại học của Tổng liên đoàn không được làm trái Quyết định 1584/QĐ-TLĐ; nghĩa là “họ phải chấp hành qui định của Tổng liên đoàn để làm trái Luật số 34/2018/QH14”.
Một cơ quan tương đương bộ, ban hành qui định bắt đơn vị trực thuộc mình làm trái Luật là điều có lẽ chưa từng thấy!. Điều quan trọng hơn là, nếu bộ, ngành nào cũng làm như Thường trực Tổng Liên đoàn hiện nay, thì các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tự chủ đại học sẽ không thể triển khai vào thực tiễn được. Lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm về điều này?.