Tự chủ trường học
Từ cuối năm 2020, thông tin về việc một số trường THPT top đầu tại Hà Nội sẽ tự chủ tài chính, thu học phí cao khiến nhiều phụ huynh lo lắng, băn khoăn.
Thông tin này xuất phát từ việc trước đó, trong năm 2019, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2018-2021.
Trước kế hoạch được đề ra, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GDĐT nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục công lập thành ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, hoặc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trường theo hướng mô hình chất lượng cao. Còn trên thực tế, hiện nay Hà Nội mới có 2 trường THPT công lập hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao tự chủ tài chính là THPT Phan Huy Chú và THPT Lê Lợi.
Mới đây nhất, trong tháng 1/2021 UBND TP Hà Nội đã vừa ban hành quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020-2023 cho Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa. Đây là trường công lập đầu tiên được tự chủ cả về tổ chức bộ máy và biên chế.
Xung quanh vấn đề tự chủ giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT đã khẳng định đây là xu thế tất yếu. Theo đó, cần đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền cho các trường.
Cụ thể, có ba khâu tự chủ về chuyên môn, về nhân sự, về tài chính trong giáo dục phổ thông. Về tự chủ chuyên môn, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản theo hướng cho các trường phổ thông được thực hiện tự chủ một phần của chương trình phổ thông.
Về vấn đề tự chủ nhân sự, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Theo Nghị định 115, trưởng phòng GDĐT có thể quyết định bổ nhiệm các hiệu trưởng các trường trực thuộc mình, có quyền tham mưu với UBND điều động nhân sự giúp cho nhà trường có đủ giáo viên theo định mức. Về tự chủ tài chính, hiện nay với chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, nhà nước đầu tư ngân sách để chăm lo.
Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mức thu học phí của giáo dục phổ thông rất vừa phải, thấp nhất là 20 nghìn đồng/tháng, cao nhất là 300 nghìn đồng/tháng, còn lại ngân sách cấp. Các địa phương tự đặt ra mức thu học phí phù hợp.
Thế nên, nếu các trường tự chủ tài chính là tự chủ trong quy định mức thu học phí dao động từ 20 nghìn đến 300 nghìn đồng/tháng, cộng với ngân sách nhà nước cấp. Chính vì vậy, các trường rất khó tự chủ về tài chính.
Nhưng hiện nay, một số địa phương như Hà Nội đã làm việc này rất mạnh mẽ, nhất là việc xây dựng các trường chất lượng cao và các trường được công nhận chất lượng cao thì đều theo lộ trình ba năm, ngân sách nhà nước cấp giảm dần và đến năm thứ ba trở đi, Nhà nước không cấp ngân sách chi thường xuyên nữa.
Như vậy, các trường công lập tự chủ cũng là một xu thế trong tương lai, khi điều kiện kinh tế tốt hơn. Nhưng cũng phải làm sao để tự chủ không bị đánh đồng là thương mại hóa giáo dục. Muốn như vậy, phải công khai minh bạch rõ các nguồn thu, rõ mục đích chi và quyết toán cuối năm với phụ huynh, học sinh. Thực hiện tốt tự chủ sẽ giảm ngân sách nhà nước. Với các cơ sở giáo dục phổ thông, nơi nào có điều kiện thì thực hiện theo hướng tự chủ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-chu-truong-hoc-549530.html