Tự chữa vẩy nến, nhiều người gặp họa
Tin vào việc quảng cáo có thể chữa khỏi hẳn vẩy nến, nhiều người đã mua các loại thuốc bôi trên mạng về để dùng. Tuy nhiên, sau khi ngưng sử dụng, tình trạng bệnh vẩy nến trở nặng khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Vẩy nến có chữa khỏi được không?
Để điều trị bệnh vẩy nến cần xác định mức độ tổn thương của bệnh và phụ thuộc vào thể lâm sàng. Có một số cách chữa vẩy nến là dùng thuốc bôi, thuốc uống, chiếu tia UVA,UVB. Hiện nay, cách chữa vẩy nến hiện đại nhất là dùng chế phẩm sinh học, phương pháp này có thể giúp bệnh nhân vẩy nến giảm đến 90% tổn thương.
Trong quá trình điều trị vẩy nến, ngoài các thuốc điều trị, người bệnh cần lưu ý dưỡng ẩm cho da. Việc dưỡng ẩm giúp cho tổn thương dễ phục hồi hơn.
ThS.BSCKII Phạm Ngọc Hảo thông tin về cách điều trị bệnh vẩy nến.
Bệnh vẩy nến có chữa khỏi hoàn toàn được không? Người bệnh cần xác định đây là bệnh cần điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, có những trường hợp bệnh ổn định trong một khoảng thời gian rất dài và không xuất hiện tổn thương vẩy nến thì người bệnh không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân vẩy nến cần lưu ý các dấu hiệu tái phát để điều trị sớm và thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Vẩy nến là bệnh gì?
Vẩy nến là bệnh viêm da mạn tính tái phát. Bệnh có thể gặp ở nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi. Nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến vẫn chưa được xác định và bệnh sẽ tiến triển suốt đời. Bên cạnh những biểu hiện ngoài da, vẩy nến còn có những biểu hiện ở các cơ quan khác như tim mạch, tăng huyết áp… do vậy vẩy nến được xem là bệnh hệ thống.
Có một số loại vẩy nến thường gặp là: Vẩy nến thông thường (chỉ xuất hiện tổn thương ở ngoài da), vẩy nến thể mủ, vẩy nến thể khớp hay còn gọi là viêm khớp vẩy nến, vẩy nến ở lòng bàn tay, bàn chân.
Dấu hiệu nhận biết vẩy nến
Bệnh vẩy nến chủ yếu biểu hiện ở ngoài da với các triệu chứng như:
- Xuất hiện tổn thương trên da , dày da, rát đỏ ở các vị trí đặc hiệu đối xứng như: đầu gối, lưng, vùng rìa chân tóc, khuỷu tay… Trên nền da rát đỏ có các vảy da dày xếp chồng lên nhau, dễ bong tróc…
- Nếu xuất hiện tổn thương trên da, phần móng tay của người bệnh cũng sẽ có các dấu hiệu như rỗ móng hoặc bong móng.
- Vẩy nến thường gây nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác như nấm da, viêm da dầu, vẩy phấn đỏ nang lông, chàm…
Vẩy nến có lây không?
Bệnh vẩy nến không thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Vẩy nến được xem là bệnh lành tính do ít khi gây nguy hiểm tới tính mạng, chủ yếu bệnh làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sinh hoạt của bệnh nhân. Tuổi thọ của người mắc vẩy nến có giảm so với người bình thường tuy nhiên không đáng kể.
Bệnh vẩy nến nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng như làm tình trạng nặng hơn: vẩy nến khớp, vẩy nến đỏ da toàn thân. Hoặc nếu bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có chứa corticoid có thể gây ra tổn thương thận hay các cơ quan khác làm tăng gánh nặng bệnh tật cho người bệnh.
Gần đây, nhiều bệnh nhân tin vào "thuốc chữa khỏi hẳn vẩy nến" bán tràn lan trên mạng dẫn tới tình trạng da bị tróc vảy toàn thân, ngứa, căng da… Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận 2 trường hợp tự ý mua thuốc bôi, chữa vẩy nến trên mạng với cam kết chữa khỏi hẳn. Khi sử dụng tình trạng bệnh có cải thiện, tuy nhiên lúc dừng thuốc vài ngày thì da đỏ tróc vảy tăng dần, toàn thân ngứa ngáy… kèm theo mệt mỏi, đau sốt. Cả 2 bệnh nhân đều được chẩn đoán là đỏ da toàn thân vẩy nến.
Nguyên nhân là do người bệnh không điều trị hoặc tự ý dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ khiến cho tổn thương vẩy nến lan rộng dần thành đỏ da toàn thân. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoặc suy tim… thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-chua-vay-nen-nhieu-nguoi-gap-hoa-169231026112253538.htm