Từ chức năng, nhiệm vụ đến khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Trong những năm qua, 2 cơ quan Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Việc hạn chế được chồng chéo không chỉ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, đồng thời còn tăng cường sự tin tưởng của xã hội đối với hoạt động thanh tra, kiểm toán - những công cụ quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh cuộc họp rà soát, tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán năm 2024. Ảnh: TL

Quang cảnh cuộc họp rà soát, tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán năm 2024. Ảnh: TL

Nguyên nhân của sự chồng chéo

Xét theo quy định pháp luật, TTCP và KTNN là hai cơ quan có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, kể cả phạm vi, mục tiêu và đối tượng. Theo PGS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - nhận định: TTCP và KTNN là 2 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thanh tra thuộc phân hệ nội kiểm, là cơ quan trực thuộc bộ máy hành pháp, giúp cho Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Trong khi đó, KTNN thuộc phân hệ ngoại kiểm, được hiến định trong Hiến pháp và có sự độc lập về mặt chuyên môn so với cơ quan hành pháp. KTNN có nhiệm vụ thực hiện kiểm toán, xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp của các số liệu, báo cáo và các thông tin liên quan đến quản lý tài chính công và tài sản công.

“Báo cáo kiểm toán của KTNN có tính pháp lý cao và bắt buộc phải thực hiện. Trong khi đó, kết luận thanh tra hiện nay chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật” - PSG,TS. Đoàn Xuân Tiên cho biết.

Ngoài ra, về mặt tổ chức, bộ máy của hai cơ quan này có sự khác biệt rõ rệt. Hệ thống thanh tra được tổ chức theo cấp hành chính hoặc theo ngành, lĩnh vực. Vì vậy, ngoài TTCP trực thuộc Chính phủ, còn có các cơ quan thanh tra tại cấp tỉnh, huyện, cũng như thanh tra Bộ, Sở và các ngành chuyên môn khác. Trong khi đó, KTNN là một hệ thống thống nhất, bao gồm các đơn vị kiểm toán chuyên ngành và khu vực.

Theo đại diện của TTCP, trong thời gian qua, tình trạng chồng chéo và trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa TTCP và KTNN đã được xử lý khá triệt để nhờ vào nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại sự trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, địa phương với KTNN.

Lý giải cho thực trạng này, ông Trần Đăng Vinh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) - cho rằng có ba nguyên nhân chính:

Đầu tiên là do hai hệ thống của Thanh tra và KTNN có sự khác biệt, do đó cơ chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả ở các cấp ngoài Trung ương.

Thứ hai, chức năng nhiệm vụ của KTNN và thanh tra có sự giao thoa, nhiều cơ quan nhà nước hiện nay cùng là đối tượng của KTNN và thanh tra, nhất là các đối tượng có chức năng sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công. Bên cạnh đó, một số cơ quan thanh tra có chức năng tương tự KTNN như thanh tra tài chính, thanh tra xây dựng, thanh tra kế hoạch đầu tư…

Thứ ba, khi xây dựng kế hoạch, một số cuộc thanh tra, kiểm toán chưa xác định được ngay đối tượng cụ thể, do đó chưa thể xử lý chồng chéo từ khi lập kế hoạch mà cần vừa triển khai vừa khắc phục.

KTNN và TTCP đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán. Ảnh: TL

KTNN và TTCP đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán. Ảnh: TL

Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường phối hợp

Do TTCP và KTNN có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nên theo quan điểm của nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất là cần có cơ chế phối hợp giữa hai bên. Việc này cần dựa trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và tránh "lấn sân" lẫn nhau.

Nhận thức rõ được vấn đề này, trong thời gian qua, KTNN và TTCP đã có nhiều nỗ lực cả trong hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như tăng cường phối hợp công tác để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán.

Tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Thanh tra sửa đổi năm 2022, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật KTNN, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp cho hoạt động thanh tra, kiểm toán trong thời gian tới.

So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định mới để xử lý vấn đề này như: Xử lý chồng chéo từ khâu lập kế hoạch: Nếu như trước kia việc lập kế hoạch còn mang tính riêng rẽ, độc lập thì nay kế hoạch thanh tra được tập trung về một đầu mối. Xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN thông qua việc tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, việc tham khảo, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán…

Đánh giá về công tác phối hợp giữa TTCP và KTNN trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định: Trong những năm gần đây, KTNN và TTCP đã phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là Quy chế phối hợp số 1618 (năm 2020) đã quy định rất cụ thể 5 nhóm việc để hạn chế chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, bao gồm: Hai bên tổ chức họp để rà soát tránh chồng chéo trong khâu lập kế hoạch kiểm toán; xử lý khi chồng lấn theo nguyên tắc đơn vị nào đã triển khai tiếp tục làm và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đơn vị sau để không giảm chất lượng thanh tra, kiểm toán; phối hợp chia sẻ dữ liệu, tận dụng kết quả dữ liệu của 2 bên; phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán và thanh tra; phối hợp trong việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của thanh tra viên, kiểm toán viên.

Với nỗ lực hạn chế tối đa sự chồng chéo, qua những năm thực hiện phối hợp giữa KTNN và TTCP đã thu được một số kết quả tích cực; nổi bật nhất là khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp giữa kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán ở cấp trung ương, cũng như từng bước khắc phục sự chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán của thanh tra Bộ, ngành, địa phương.

Tiêu biểu có thể kể đến một số trường hợp xử lý trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023 như: Điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán năm đối với nhiệm vụ do trùng với TTCP (Tỉnh ủy Tây Ninh, Đồng Nai); trùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 Đài Tiếng nói Việt Nam); trùng với Thanh tra tỉnh (Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2022; Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Tiền Giang).

Bên cạnh đó, KTNN cũng điều chỉnh giảm 19 đơn vị, dự án, doanh nghiệp không thực hiện kiểm toán chi tiết để tránh chồng chéo với thanh tra, cơ quan cảnh sát điều tra trong quá trình tổ chức các cuộc kiểm toán ngân sách và kiểm toán chuyên đề tại các địa phương.

Có thể nói, nhờ vào nỗ lực của 2 cơ quan KTNN và TTCP trong thời gian qua với nhiều giải pháp đồng bộ, việc xử lý tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã được khắc phục tương đối triệt để ở cấp trung ương. Trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo KTNN và TTCP cũng khẳng định sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách phù hợp với xu thế chung nhằm hạn chế tối đa chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa vai trò của mỗi cơ quan trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước./.

PV

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tu-chuc-nang-nhiem-vu-den-khac-phuc-chong-cheo-trong-hoat-dong-thanh-tra-kiem-toan-34297.html