Từ chuyện 'giải cứu' cam sành đến bài học phát triển ồ ạt cây có múi

Loại cam sành đang được 'giải cứu' rầm rộ chủ yếu dùng cho nội địa, cung vượt cầu, khó xuất khẩu vì mẫu mã xấu. Đây cũng là bài học chung cho việc phát triển ồ ạt cây có múi một cách tự phát trong thời gian qua ở các địa phương (dù đã cảnh báo từ cách đây 5 năm), và sẽ khó tránh còn nhiều cuộc 'giải cứu' khác nếu chưa quản lý được quy mô sản xuất.

Ghi nhận tại Tp.HCM từ giữa tháng 2/2023 đến nay cho thấy, có nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ, treo bảng “giải cứu” cam sành giúp cho nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sự chung tay tham gia của các cá nhân, tổ chức, trung tâm thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…

Thị trường hạn hẹp

Từ trước Tết Nguyên đán, tình hình tiêu thụ cam sành gặp khó khăn. Giá cam sành liên tục giảm, tại vườn dao động từ 2.000 - 5.000 đ/kg, trong khi cam chín chỉ 1.000 - 3.000 đ/kg.

Để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ cam sành, một số địa phương ở ĐBSCL đã chỉ đạo ban quản lý các chợ hạng 1, 2 chuẩn bị các điểm kinh doanh cam sành miễn phí, tăng cường tiêu thụ cam tại thị trường Tp.HCM. Đồng thời, phía địa phương còn hỗ trợ kết nối cho các hệ thống phân phối, cửa hàng tiện lợi, gửi danh sách các hợp tác xã, vựa gửi lên các chợ đầu mối tại Tp.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành…

Giữa lúc tình hình tiêu thụ gặp khó, giá giảm sâu, tráicam sành đang được “giải cứu” rầm rộ ở Tp.HCM.

Trao đổi với VnBusiness quanh chuyện “giải cứu” cam sành đang rầm rộ như hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lý giải nguyên nhân là nông dân trồng sai thời vụ. Chẳng hạn trước Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu thụ nhiều, còn sau Tết thì nhu cầu giảm đi. Hơn nữa, loại cam sành đang “giải cứu” lại không xuất khẩu (XK) được vì mẫu mã xấu.

Ông Nguyên cho rằng, trái cam sành không chỉ hạn chế về mặt XK, lại chủ yếu dựa vào thị trường nội địa nhưng không ổn định. Trong khi đó, có những nhà máy chế biến tiêu thụ cam nhưng lạm dụng hương liệu hóa chất nên việc sử dụng nguyên liệu từ cam sành khá hạn chế. Nói chung, những mặt hàng rau quả nào có triển vọng XK đều có mức giá khá tốt, còn nếu không XK được thì giá bán chắc chắn sẽ thấp.

“Với trái cam sành của Việt Nam, chưa nói về chất lượng, chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài đã xấu hơn trái cam của Trung Quốc và các nước khác. Chưa kể, xét về chất lượng nước bên trong trái cam Việt cũng chua hơn, có nhiều hạt. Cho nên chắc chắn trái cam sành của chúng ta rất khó XK, mà không XK được thì phải bán ở thị trường nội địa với mức giá đương nhiên là thấp, và có lúc nguồn cung quá nhiều, không thể tiêu thụ hết đành phải giải cứu”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ.

Quanh chuyện “giải cứu” trái cam sành, nhiều ý kiến bày tỏ mối băn khoăn trước “bài toán giải cứu” cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác với nhiều loại rau củ quả. Điều này có phần nguyên do từ việc sản xuất tự phát của người nông dân.

Hậu quả của 'vỡ quy hoạch'

Từ trường hợp của trái cam sành cũng nên nhắc lại cách đây 5 năm đã từng có những cảnh báo từ dư luận và cơ quan quản lý về việc phát triển nóng về diện tích ở nhóm cây ăn trái có múi (như cam, bưởi, quýt) trên cả nước.

Nhất là khi cam sành và các loại cây có múi khác chưa được nằm trong danh mục trái cây tươi XK chính ngạch sang Trung Quốc nên chủ yếu được tiêu thụ nội địa, một số thời điểm có XK tiểu ngạch sang Trung Quốc với sản lượng rất ít. Điều này sẽ khiến cho cây có múi nguy cơ “vỡ trận” khi được trồng một cách ồ ạt ở các địa phương và sẽ còn có nhiều cuộc “giải cứu” khác sắp tới.

Về phía Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã từng có văn bản khuyến cáo các địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng được mùa mất giá, thị trường phải tham gia “giải cứu” nông sản. Tuy nhiên, các nông dân, nhà vườn với thói quen sản xuất tự phát dường như đã phớt lờ những khuyến cáo này.

Đó là lý do mà diện tích trồng cây cam sành và những cây có múi khác không ngừng phình ra. Như số liệu của Cục Trồng trọt cho thấy, tổng diện tích cây có múi cả nước từ năm 2019 đã đạt 256,86 nghìn ha (sản lượng đạt hơn 2,46 triệu tấn), chiếm 24,07% tổng diện tích cây ăn quả.

Cam, bưởi, chanh, quýt là những cây có múi cũng thuộc nhóm 15 loại quả chủ lực, có diện tích lớn nhất cả nước (trên 20 nghìn ha mỗi loại). Về cơ cấu chủng loại, cam và bưởi hiện có diện tích lớn nhất trong sản xuất cây có múi (khoảng 38% mỗi loại), tiếp theo là chanh (15,1%) và quýt (8,6%). Riêng tại phía Bắc, diện tích trồng cam chiếm gần 45,6%, bưởi chiếm 40,2%, quýt 7,4% và chanh 7,9% trong cơ cấu diện tích cây có múi toàn vùng.

Trong việc phát triển ồ ạt diện tích cây có múi, Ts. Nguyễn Quốc Mạnh (Cục Trồng trọt) chỉ rõ mặt hạn chế như cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, trong đó nhiều giống có mẫu mã, chất lượng chưa cao, giống thoái hóa, có nhiều hạt, làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm ăn tươi, khó khăn cho công nghiệp chế biến. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên có nơi, có lúc người tiêu dùng giảm lòng tin, quay lưng với sản phẩm khiến cho giá cả giảm mạnh.

Không chỉ vậy, theo ông Mạnh, giá thành sản xuất của cây có múi còn khá cao, làm giảm sức cạnh tranh. Nguyên nhân cơ bản là do năng suất còn thấp và chưa ổn định. Chuỗi giá trị còn quá nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận cho người nông dân trực tiếp sản xuất.

Trong một diễn biến khác, để giải bài toán đầu ra, Việt Nam đang tiến hành các thủ tục để đàm phán XK cam sành và các loại trái cây thuộc nhóm cây có múi gồm: Bưởi, cam, quýt, chanh sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian để Trung Quốc mở cửa chính ngạch cho trái cây có múi của Việt Nam không phải một sớm một chiều là có ngay. Còn trước mắt, từ chuyện “giải cứu” cam sành và hiện trạng giảm giá sâu của các loại trái có múi trong thời gian qua đang đòi hỏi các địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu diện tích cây có múi, phải quản lý chặt quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích không theo quy hoạch.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tu-chuyen-giai-cuu-cam-sanh-den-bai-hoc-phat-trien-o-at-cay-co-mui-1090933.html