Từ chuyện Ngô Văn Hiếu 10 năm cõng bạn đến trường không muốn được 'đặc cách', nghĩ về sự tử tế
Chàng trai trẻ Ngô Văn Hiếu 10 năm cõng bạn đến trường muốn vào đại học bằng khả năng của chính mình, không muốn nhận sự ưu ái, đặc cách là một hình tượng đẹp. Hành động của em khiến tôi nghĩ về sự tử tế trong xã hội.
Cậu học trò Ngô Văn Hiếu (Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) trượt ước mơ vào đại học Y Hà Nội vì thiếu 0.25 điểm. Đó thực sự là nỗi buồn của tôi, của bạn và là nỗi buồn chung đối với một tấm lòng cao cả sống vì người.
Phần lớn dư luận mong muốn trường sẽ xét đặc cách để Hiếu được vào học. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Hiếu lại không muốn "được xét đặc cách", bởi với em, thi tuyển vào trường là một cuộc đấu sòng phẳng và công bằng, chứ không đơn giản như giúp một ai đó xin việc.
Với Hiếu, mọi thí sinh đều phải cạnh tranh bằng năng lực chứ không dùng lòng tốt để đi xin vào đại học. Chàng trai trẻ muốn vào đại học bằng khả năng của chính mình, không muốn nhận sự ưu ái là một hình tượng đẹp mà tôi thấy nể trọng mặc dù tôi đã vào lứa tuổi bậc cha, ông của cháu.
Giá mà, Ngô Văn Hiếu trở thành một thần tượng của lớp trẻ ngày nay. Ai đó cho rằng đại học Y Hà Nội nên đặc cách nhận Hiếu vào trường vì em chỉ thiếu 0,25 điểm chuẩn vào trường là xem thường và có thể là xúc phạm Hiếu. Suốt 10 năm cõng bạn tới trường với tâm trong sáng lẽ nào chỉ đánh đổi lấy 0,25 điểm?
Chia sẻ quan điểm của mình, Hiếu nói em sẽ nhập học tại đại học Y Thái Bình theo kết quả thi của mình. Quan trọng hơn, nếu đại học Y Hà Nội có đặc cách nhận em cũng không học. Theo tôi, Hiếu thể hiện được bản lĩnh của một thầy thuốc có tâm, có đức trong tương lai.
Một học sinh lớp 12 con nhà nghèo chỉ nhận những cái của mình, sẵn sàng cho người khác cái mà mình có. Nghĩ về việc trò Hiếu không nhận 0,25 điểm để được vào học tại Đại học Y Hà Nội đúng với ước mơ của mình, tự nhiên tôi cảm thấy rưng rưng. Em sẵn sàng chia sẻ với người kém may mắn những cái mình có và từ chối những cái không phải của mình, đẹp sao!
Việc làm của học trò Ngô Văn Hiếu không chỉ dạy cho ta hiểu thế nào là người tử tế, dạy cho ta cách cho và cách nhận, những việc làm hết sức bình thường nhưng lâu nay không được dạy trong các trường phổ thông.
Ở khía cạnh khác, Hiếu còn dạy cho chúng ta, khi đã chấp nhận một “trò chơi” thì phải tuân theo luật của trò chơi đó. Việc Hiếu đạt 28,25 điểm nhưng vẫn trượt đại học Y Hà Nội điều đó nói lên rằng “trò chơi” tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp là chưa hợp lý.
Nó không chỉ chưa hợp lý trong năm nay mà thực tế nó chưa hợp lý từ ngày ngành giáo dục thực hiện kỳ thi 2 trong 1. Việc kiểm tra kiến thức để công nhận tốt nghiệp với việc tuyển sinh vào trường đại học là hai việc khác nhau nên dẫn tới những học sinh thuộc diện xuất sắc, trung bình một môn thi đạt tới 9,41 vẫn không đỗ.
Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội có lý khi không đặc cách nhận em Hiếu, nhiều người có thể phê phán ông là cứng nhắc nhưng tôi lại ủng hộ ông bởi đã tham gia “trò chơi” nào phải tuân theo luật của “trò chơi” đó.
Với tôi, Ngô Văn Hiếu thực sự là một học trò có tâm và có nhân cách. Ngoài việc dạy cho chúng ta không nhận cái không phải của mình, việc làm của em Hiếu cũng nhắc nhở rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Khi đã có ngoại lệ thì sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội. Khi có công được khen thưởng, khi có tội phải xử theo luật, hãy học cách hành xử của học trò Ngô Văn Hiếu.
Là một thầy giáo đã về hưu, tôi tin rằng, khi vào học đại học Y Thái Bình, Hiếu sẽ là một sinh viên suất sắc. Hơn nữa, khi ra trường, với tâm và cách hành xử như em đã và đang làm, Hiếu sẽ là một bác sĩ có đức, có tâm với người bệnh. Chúc em đạt được ước mơ trở thành một bác sĩ tận tâm với người bệnh và có ích cho đời.
Thạc sĩ Lê Đức Vĩnh
(Nguyên giảng viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội)