Từ cô bé tự kỷ thành 'chiến binh vì hành tinh xanh'
Ở độ tuổi 17, Greta Thunberg đã lần thứ 2 được đề cử giải thưởng Nobel hòa bình cho những hành động khởi phát phong trào thanh thiếu niên trên toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Mới đây, nhân kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới thường niên (5-6), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cùng Thái Hà Books đã cho ra mắt cuốn sách được dịch sang tiếng Việt mang tên 'Greta Thunberg - Chiến binh vì hành tinh xanh'.
Hiệu ứng Greta
Nhớ lại những lần gặp gỡ đầy tình cờ nhưng cũng rất nhân duyên hồi tháng 8 năm 2018, Đại sứ Anna Mawe kể: “Năm 2018, khi đi bộ từ nhà đến Bộ Ngoại giao ở Stockholm, tôi đã đi ngang qua một cô bé ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển với tấm biển có ghi: “Đình công trường học vì khí hậu”. Tôi tiếp tục nhìn thấy cô bé ấy những ngày sau đó. Cô bé trông khá đơn độc. Vào buổi sáng ngày thứ ba, tôi đã lại gần và hỏi cô bé về cuộc đình công. Cô bé đó là Greta Thunberg”.
Đại sứ Anna Mawe cho biết, thời điểm đó, Greta Thunberg mới 15 tuổi và đã bắt đầu nghỉ học để khởi xướng phong trào biểu tình “Ngày thứ sáu cho tương lai” chống biến đổi khí hậu. Từ những cuộc biểu tình đơn lẻ ban đầu, Thunberg dần trở nên nổi tiếng toàn cầu. Phong trào sau đó lan rộng khắp thế giới, thu hút hàng triệu thanh thiếu niên tham gia, trong đó có con gái của Đại sứ.
“Chỉ 7 tháng sau, tôi quay trở lại chỗ ấy cùng với con gái (cũng tên là Greta) vì con gái tôi muốn tham gia cuộc đình công chống biến đổi khí hậu. Lần này hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên đã tụ tập xung quanh tòa nhà Quốc hội. Trong vòng chưa đầy 7 tháng từ chỉ có một người đình công, nay đã trở thành một phong trào đình công quốc tế đông đảo có tên “FridayfortheFuture (Ngày thứ 6 cho tương lai)”, Đại sứ Thụy Điển nói.
Thực tế thì trong gần 2 năm qua, Greta Thunberg đã thành công trong việc tạo ra sự thay đổi thái độ toàn cầu, biến hàng triệu nỗi lo lắng mơ hồ thành một phong trào kêu gọi hành động khẩn cấp trên khắp thế giới.
Tạp chí Time năm 2019 đã bình chọn cô bé người Thụy Điển này là Nhân vật của năm. Lý giải thêm về những gì mà Greta Thunberg đã làm, Đại sứ Anna Mawe nhấn mạnh: “Greta đã tham dự rất nhiều Hội nghị quốc tế, trong đó phải kể đến Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức ở Ba Lan, Hội nghị thượng đỉnh hành động về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) và Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ...
Cô bé đã nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới và nhận được nhiều giải thưởng cho công việc tuy khó khăn nhưng vô cùng quan trọng này. Ảnh hưởng của cô bé tại các hội nghị quốc tế được mô tả là “Hiệu ứng Greta”. Cho đến nay những bài học đúc rút từ những nỗ lực chung và các biện pháp phi thường của cộng đồng quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu này đã truyền cảm hứng thêm cho chúng ta có những hành động kiên quyết hơn đối với một thách thức lớn khác trên toàn cầu – đó là khủng hoảng khí hậu”.
Ngày thứ 6 cho tương lai
Nhìn lại hành trình đã qua của cô bé 17 tuổi này, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng. Tạp chí Time từng viết: “Greta Thunberg lần đầu nghe về biến đổi khí hậu năm 2011, khi mới 8 tuổi và bị tự kỷ vì thấy có quá ít hành động để bảo vệ môi trường trên thế giới. Ba năm sau, cô trở nên chán nản, buồn phiền, ít nói, bỏ ăn và cuối cùng được chẩn đoán bị hội chứng Asperger (gặp khó khăn về giao tiếp và tiếp xúc với những người xung quanh). Nhưng lạ là Greta Thunberg không coi Asperger như một căn bệnh mà gọi nó là siêu năng lực”.
Trong khoảng 2 năm, Greta Thunberg thử thách bố mẹ hạ lượng khí thải carbon của gia đình và những tác động xấu lên môi trường bằng cách trở thành người ăn chay, tái sử dụng vật liệu phế thải và từ bỏ việc đi máy bay. Bố mẹ cô bé đã hưởng ứng và thay đổi lối sống với niềm tin rằng cô có thể làm nên một sự khác biệt. Câu chuyện về gia đình Greta Thunberg sau đó được thuật lại trong cuốn sách có tựa đề “Scenes from the Heart” xuất bản năm 2018.
Tháng 5-2018, Greta Thunberg quyết định nghỉ học vào mỗi thứ sáu, kêu gọi hành động để chấm dứt khủng hoảng khí hậu và hệ sinh thái. Tháng 3-2019, cô đã dẫn đầu hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia vào các cuộc bãi khóa vì khí hậu mỗi thứ 6 hằng tuần. Những người trẻ tuổi tại hơn 123 quốc gia đã nghỉ học để yêu cầu các chính phủ có chính sách chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn và giảm phát thải nhà kính.
Một tháng sau đó, Greta Thunberg có cuộc trò chuyện với Giáo hoàng Francis tại Vatican; tiếp xúc với các thành viên Quốc hội Anh và đặc biệt là thực hiện hành trình trên biển để tham dự hội nghị chống biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York vào tháng 9.
Tại Mỹ, cô bé đã gặp cựu Tổng thống Barack Obama và nhiều chính trị gia nổi tiếng của Mỹ cũng như trên thế giới... Hiện nay, Greta Thunberg vẫn dành ra mỗi thứ sáu hằng tuần để biểu tình; kêu gọi học sinh, sinh viên ở châu Âu và khắp thế giới tạo áp lực buộc chính phủ nước họ phải có hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Thông điệp mà Greta Thunberg thường xuyên nhắc đến trong các bài phát biểu của mình là “Hãy lắng nghe các nhà khoa học”, không cần các giải thưởng, chỉ cần hành động… Và như có phép mầu, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô bé, ngày 20-9-2019, hơn 4 triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành vì khí hậu tại 161 quốc gia trên thế giới, biến đây thành cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Tháng 1 vừa qua, Greta Thunberg đã đón sinh nhật thứ 17 bằng hành động quen thuộc khi tổ chức biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển. Cùng thời điểm đó, hai nghị sĩ Thụy Điển tiếp tục đề cử cô bé vào danh sách ứng cử viên của giải Nobel Hòa bình 2020. (Năm ngoái, Greta Thunberg đã được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình nhưng cuối cùng người được trao tặng lại là Thủ tướng 43 tuổi của quốc gia châu Phi Ethiopia Abiya Ahmed Ali).
Hồi cuối tháng 4, Greta Thunberg và tổ chức phi chính phủ Human Act của Đan Mạch đã phát động chiến dịch ủng hộ UNICEF nhấn mạnh quyền trẻ em trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. “Cũng giống như khủng hoảng khí hậu, đại dịch COVID-19 chính là một cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em. Đại dịch có ảnh hưởng đến tất cả trẻ em, trước mắt và lâu dài, nhưng những nhóm dễ bị tổn thương nhất sẽ bị tác động lớn nhất. Em kêu gọi mọi người hãy đứng lên và cùng với em ủng hộ những hoạt động quan trọng của UNICEF để bảo vệ cuộc sống của trẻ em, bảo vệ sức khỏe và đảm bảo giáo dục cho trẻ em”, Greta Thuberg phát biểu.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhận định. “Thông qua hoạt động của mình, Greta Thunberg đã chứng tỏ rằng thanh thiếu niên sẵn sàng đứng lên và làm chủ sự thay đổi trên thế giới”.
Greta Thunberg sinh ngày 3-1-2003 ở Stockholm, Thụy Điển. Mẹ cô là ca sĩ opera Malena Ernman, còn cha là diễn viên Svante Thunberg. Greta Thunberg từng giành chiến thắng trong cuộc thi viết bài tranh luận của Svenska Dagbladet về khí hậu cho giới trẻ vào tháng 5-2018.
Trong giải thưởng của Quỹ thiên nhiên thế giới, người hùng môi trường trẻ của năm 2018, cô cũng là một trong ba người được đề cử. Greta Thunberg đã từ chối nhận giải thưởng Telge Energi dành cho trẻ em và thanh thiếu niên thúc đẩy sự phát triển bền vững – một giải thưởng khí hậu của trẻ em vì những người vào chung kết phải đi máy bay đến Stockholm.
Tháng 11-2018, cô đã được trao học bổng Fryshuset Hình mẫu trẻ của năm. Tháng 12-2018, tạp chí Time đã bầu chọn Greta Thunberg là một trong 25 thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới.
Huyền Chi