Từ cổng làng đến cổng khu phố

Cổng chào khu phố văn hóa Trần Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: LẠC VIỆT

“Nhà có nóc, làng có cổng”. Không biết có tự bao giờ, nhưng từ xa xưa, cổng làng đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân nông thôn Việt Nam. Không chỉ là công trình kiến trúc, cổng làng là nơi ngăn cách giữa làng này với làng khác, giữa khu dân cư với đồng ruộng…

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa làng xã, cổng làng không chỉ tạo nên hồn cốt, nét riêng của mỗi làng quê mà qua mỗi ý tưởng và kiểu dáng kiến trúc đặc thù còn thể hiện chiều sâu văn hóa từng ngôi làng; là ranh giới mang tính ước lệ, biểu hiện quyền uy của làng xã. Trong thế kỷ XVIII, XIX, nhiều cổng làng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn dựng bia đá với hai chữ “hạ mã” để nhắc nhở người qua cổng, kể cả các quan lại, các vị chức sắc địa phương đều phải xuống ngựa để tôn trọng lệ làng. Cổng làng còn là chứng nhân của những đổi thay thời cuộc. Phía sau mỗi cổng làng là sự kết nối cộng đồng các tộc họ, bao gồm các phong tục, tập quán và các sinh hoạt văn hóa đặc thù.

Trải qua thời gian, cổng làng được thay thế bằng cổng chào. Tuy nhiên, cổng chào khác với cổng làng. Cổng chào thường chỉ là điểm nhấn để chào mừng các ngày lễ kỷ niệm hoặc một sự kiện nào đó, không mang tính lâu dài.

Một số nơi ở Phú Yên còn dáng dấp của cổng làng xưa đã được cách điệu gần với cổng chào, như: cổng làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An), cổng làng nghề bó chổi đót Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa)…

Tại TP Tuy Hòa, không chỉ các xã, thôn mà khu vực nội thị cũng đã và đang xây dựng cổng chào. Mục đích của việc này là nhằm góp phần làm thay đổi diện mạo, tăng vẻ mỹ quan và góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố trẻ. Gần đây như khu phố Trần Phú (phường 7). Bằng nguồn kinh phí vận động các hộ dân đóng góp, khu phố này đã xây dựng cổng chào khu phố văn hóa trên đường Bà Triệu tại vị trí tiếp giáp với đường Phan Lưu Thanh. Hai bên trụ là đôi câu đối: Xã hội kỷ cương, quê hương giàu đẹp/ Gia đình hòa thuận, khu phố yên vui. Tương tự, khu phố Trường Chinh xây dựng cổng khu phố văn hóa trên đường Lý Tự Trọng tại điểm tiếp giáp với đường Lê Duẩn. Còn tại hầu hết các khu phố khác cũng đều có cổng chào. Điểm chung của những cổng chào này là được xây dựng bằng bê tông cốt thép với hai trụ lớn, mỗi trụ có hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc, bên trên ghi tên khu phố văn hóa gắn với khẩu hiệu tuyên truyền về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thể hiện sự quyết tâm của từng khu dân cư trong việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.

Xét về góc độ văn hóa, lịch sử thì cổng làng là một kiến trúc của làng xã Việt Nam xưa. Mỗi cổng làng có một đặc trưng văn hóa, kiến trúc riêng của làng đó. Người đi xa nhớ về làng cũ, không thể quên cái cổng làng nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Cổng làng luôn có sức hấp dẫn, thu hút nhiều người quan tâm nghiên cứu, tham quan, du lịch.

Còn cổng chào chỉ là một vật thể đơn thuần, không có giá trị nhiều về mặt văn hóa, du lịch và hầu như cổng chào nào cũng na ná nhau, ngày nay thường gắn với thôn văn hóa, khu phố văn hóa.

Thiết nghĩ, ngành Văn hóa cần quan tâm đến vấn đề mới này. Những cổng chào đều nằm ngay “cửa chính” vào ra các khu phố. Vì vậy, ngoài việc cân nhắc câu đối, khẩu hiệu tuyên truyền, cần có quy định về kích thước, kiểu dáng phù hợp, hạn chế việc lấn chiếm không gian, bị che khuất bởi trụ điện, cây xanh hoặc cản trở quá trình cứu hộ, cứu nạn, cũng như không bảo đảm mỹ quan đô thị.

TRẦN HƯNG (Phú Hòa)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/297349/tu-cong-lang-den-cong-khu-pho.html