Từ công nghệ sang vận tải
Trong những năm gần đây, các hãng công nghệ trên thế giới đang có xu hướng chuyển sang lĩnh vực vận tải. Mới đây, Sony đã công bố sẽ tiến hành thử nghiệm xe tự lái trong năm nay.
Mục tiêu của thử nghiệm là hoàn thiện công nghệ cảm biến và an toàn của xe. Bên cạnh đó, Sony cũng lên kế hoạch giới thiệu loại ô tô điện với 33 cảm biến xung quanh xe. Các cảm biến này có thể thu thập thông tin về hình ảnh và cả ánh sáng, khoảng cách. Vì đây là xe của hãng công nghệ nghe nhìn nên bên trong xe sẽ được trang bị hệ thống giải trí với công nghệ âm thanh tốt nhất của Sony.
CEO Sony, ông Kenichiro Yoshida, cho biết: “Không phải là nói quá khi nhận xét 10 năm trước, di động là xu hướng lớn nhất. Và tôi tin rằng xu hướng tiếp theo là công nghệ di chuyển”. Thậm chí, việc phát triển phương tiện bay tự lái cũng đã được nhiều hãng ô tô tham gia. Daimler, Geely hay Toyota đã công bố khoản đầu tư của mình vào các công ty khởi nghiệp phát triển ô tô điện bay. Chính phủ Nhật Bản cũng đang thúc đẩy các dự án xe bay bằng cách hợp tác với nhiều công ty tư nhân trong lĩnh vực vận tải để không chậm chân ở sân chơi toàn cầu. Tham vọng của nước này là xây dựng các nguyên mẫu xe bay, thử nghiệm chúng vào cuối năm 2019 trước khi đưa vào sử dụng thực tế từ năm 2023 trở về sau.
Một hãng công nghệ khác cũng tuyên bố sẽ làm phương tiện vận chuyển tự lái là Uber. Nhưng thay vì xe tự lái, hãng này sẽ hợp tác với Hyundai để làm taxi bay. Dạng phương tiện này sẽ là một chiếc máy bay tự lái cỡ nhỏ, phục vụ trong đô thị. Uber và Hyundai đã công bố chi tiết về các mốc thời gian phát triển và cả những thách thức. Mục tiêu cuối cùng là năm 2023, dịch vụ Uber Air sẽ được ra mắt. Tới năm 2028, các phương tiện bay cho người sẽ có thể hoạt động tại các thành phố. Nhưng khi đó vẫn cần sự chấp thuận từ luật của các thành phố và thời gian để chuẩn bị hạ tầng cần thiết. Khi khai thác thương mại, Hyundai sẽ làm nhiệm vụ phát triển và sản xuất xe bay trong khi Uber sẽ đảm nhiệm việc vận hành dịch vụ. Theo dự kiến, xe taxi bay này có thể cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, chở được 4 hành khách và đạt tốc độ 322km/giờ. Sử dụng động cơ điện với quãng đường 97km cho mỗi lần sạc.
Uber cũng đang làm việc với NASA và khoảng 6 công ty khác. Theo Eric Allison, người đứng đầu Uber Elevate, thỏa thuận với Hyundai nằm ngoài danh mục trên bởi hãng ô tô Hàn Quốc có thể sản xuất những chiếc xe bay ở cấp độ chưa từng thấy trong ngành công nghiệp hàng không. Theo lý thuyết, số lượng lớn có thể giảm chi phí mỗi chuyến đi và tạo ra một hệ thống taxi bay với nguồn tài chính khả thi. Sự kiện cũng thể hiện bước nhảy vọt về cải tiến của Hyundai. Cũng giống các đồng nghiệp khác, hãng xe Hàn Quốc bị tác động bởi sự thay đổi thói quen của khách hàng, về việc sở hữu cũng như chuyển sang dòng xe thân thiện với môi trường.
Tương tự Nhật Bản và Hàn Quốc, Malaysia cũng đang nghiên cứu những nguyên mẫu xe bay đầu tiên và sẵn sàng ra mắt tại nước này với một dự án xe bay được phát triển bởi Aerodyne Group và đối tác Nhật Bản. Chính phủ Malaysia đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng một cơ sở thử nghiệm các sản phẩm xe bay đặt tại Cyberjaya, thị trấn thuộc Sepang, Selangor. Đây là một phần của dự án Siêu hành lang truyền thông đa phương tiện của Malaysia.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-cong-nghe-sang-van-tai-639496.html