Từ cuộc chiến công hàm, Biển Đông - vấn đề không của riêng ai
Biển Đông đã không đơn thuần là vấn đề giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới.
Ngày 16/9, ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Đức đã gửi công hàm thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên hợp quốc (LHQ).
Công hàm nhắc lại tính bao quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên các biển và đại dương, nhấn mạnh “tầm quan trọng của quyền tự do đi lại trên biển đã nêu rõ trong UNCLOS, bao gồm tự do hàng hải, hàng không và qua lại vô hại, với phạm vi bao trùm cả Biển Đông”.
Công hàm có đoạn: “Các tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của UNCLOS, cũng như các công cụ và quy trình giải quyết tranh chấp được đề ra trong Công ước”.
Anh, Pháp và Đức cũng khẳng định lập trường trung lập đối với các tranh chấp ở Biển Đông, song khẳng định với tư cách là thành viên của UNCLOS, các quốc gia châu Âu này sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do và quyền khác theo công ước, đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác tại khu vực.
Cơ sở pháp lý quan trọng
Việc ba nước giữ vị trí quan trọng ở châu Âu gia nhập 'cuộc chiến' công hàm thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông lên Liên hợp quốc được giới chuyên gia nhận định là bước đi rất quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Khởi đầu là Malaysia, sau đó là nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Indonesia, và cả Mỹ, Australia đều đã gửi công hàm phản đối các lập luận của Trung Quốc đối với vùng biển nhạy cảm.
Giữa tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách trên Biển Đông, trong đó tập trung chỉ trích các tuyên bố phi lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Mỹ sau đó còn công bố danh sách 24 doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt do liên quan đến hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Biển Đông đã không chỉ là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các nước trên toàn thế giới, bởi tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh và sự phát triển của toàn thế giới.
Việc Mỹ, Australia và 3 nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức - cùng đệ trình công hàm lên LHQ để tỏ thái độ là minh chứng rõ ràng cho nhận định này.
Các công hàm đều có chung một số nội dung như: Chỉ trích và lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc, trong đó cái gọi là “Đường 9 đoạn”, là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và UNCLOS; Khẳng định UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng, đóng vai trò nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, cho nên phải có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS. Phán quyết của PCA năm 2016 là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS, và Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết này.
Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp trên Biển Đông không làm thay đổi bản chất thật sự rằng đây là các thực thể “lúc nổi lúc chìm” hoặc “đá”, chứ không phải là “đảo” để có thể thiết lập quanh đó các vùng biển như Trung Quốc thường rêu rao. Điều này cho thấy bản chất phi lý trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các công hàm này đều là các văn bản chính thức được trình LHQ, vì vậy chúng đảm bảo tính pháp lý cao nhất và rõ ràng nhất, một thực tế khiến Trung Quốc khó có thể biện giải cho những phản đối này.
Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào tháng 11 sắp tới, các bản công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ này sẽ là căn cứ quan trọng để ASEAN làm nền tảng thúc đẩy các yêu cầu tuân thủ UNCLOS và phán quyết của PCA năm 2016.
Đây cũng có thể sẽ là động lực để các bên tiến tới hoàn thành một COC mang tính ràng buộc pháp lý, hiệu quả và có giá trị thực tiễn trong việc ngăn ngừa nguy cơ xung đột gia tăng trong khu vực.
Sự sứt mẻ trong quan hệ Trung Quốc - châu Âu?
Tờ New York Times nhận định rằng những hy vọng của Bắc Kinh về việc dùng châu Âu như một đối trọng với Mỹ đang dần tan biến sau khi lần lượt các quốc gia khu vực đối đầu Trung Quốc trong nhiều vấn đề, từ thương mại, hồ sơ Hong Kong, nhân quyền, và giờ là Biển Đông.
Một bài viết trên báo này có đoạn: “Hết nước này đến nước khác, Trung Quốc đang đối mặt với sự giận dữ ngày càng gia tăng trước các chính sách và hành vi của mình… một bước lùi đáng kể tại lục địa mà Bắc Kinh từng xem như một đối tác thực dụng hơn và chín chắn hơn để Trung Quốc thúc đẩy quan hệ nhằm đối chọi với mối quan hệ ngày càng tồi tệ với Mỹ”.
Đáng chú ý, mức độ quan tâm của ba cường quốc châu Âu đối với khu vực không chỉ dừng lại ở ngôn từ mà còn bằng hành động cụ thể. Trong năm 2020, Pháp đã triển khai hoạt động đảm bảo tự do hàng hải FONOP ở khu vực, trong khi Anh cam kết sẽ triển khai một tàu khu trục HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông vào năm 2021. Đức cũng đang tính toán cách thức triển khai hoạt động trong khu vực.
Đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, những thay đổi trong góc nhìn của châu Âu là một thách thức rất lớn. Trong ngắn hạn, điều này đe dọa hủy hoại nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc bởi những khó khăn trong thu hút đầu tư do các biện pháp hạn chế mà Mỹ áp đặt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong dài hạn, thực tế này có thể xói mòn tham vọng của Tập Cận Bình về việc đưa Trung Quốc thế chỗ Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu với quyền định đoạt các nguyên tắc quản trị và thương mại quốc tế.
Nỗi thất vọng của châu Âu đối với các chính sách của Trung Quốc ngày càng gia tăng song lên đến đỉnh điểm thời gian gần đây sau khi đại dịch Cvid-19 bùng phát. Nhiều diễn biến càng củng cố hơn quan điểm cho rằng chủ nghĩa độc tài mà Trung Quốc theo đuổi về căn bản là mâu thuẫn với những giá trị của châu Âu, dù Bắc Kinh luôn khẳng định việc tìm kiếm những hợp tác hài hòa.
Ngày 14/9 vừa qua, trong một hội nghị cấp cao trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng một “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Tuy nhiên, cuộc gặp – từng được kỳ vọng là sẽ trở thành cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế - lại kết thúc với không nhiều tiến triển về một gói đầu tư khá giới hạn.
Trên thực tế, cuộc họp càng làm lộ rõ những mâu thuẫn mà người ta lâu nay vẫn cố che giấu.
Tuy nhiên, châu Âu cho đến nay vẫn chưa mạnh tay như chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã có những bước đi quyết đoán nhằm chia tách mối ràng buộc chính trị, kinh tế và xã hội kéo dài hàng thập kỷ qua, mở đầu một kỷ nguyên đối đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ như thế nào.
(tổng hợp)