Từ cuối năm 2024, mạng Viettel sẽ chỉ còn 2 công nghệ 4G và 5G
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom cho biết, nếu có tần số triển khai 5G trong năm tới, Viettel có thể chỉ còn 2 công nghệ 4G và 5G vào cuối năm 2024.
Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom chia sẻ tại tọa đàm chủ đề “Thương mại hóa 5G, xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam - Vietnam ICT Press Club tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội.
Việt Nam đã chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đó là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, thuê bao 2G Only sẽ không còn trên mạng từ tháng 9/2024. Hai năm sau đó, việc duy trì mạng 2G chỉ nhằm cung cấp thoại cho các thuê bao 3G, 4G không tích hợp VoLTE - tính năng trao đổi qua nền tảng 4G.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã xác định năm 2024 là năm sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, các nhà mạng cần lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024 và sử dụng 5G SA, tức là sử dụng công nghệ 5G không cần đi qua giai đoạn trung gian 4,5G.
Giải đáp thắc mắc của báo chí về số lượng thiết bị 2G, 3G còn trên mạng Viettel sau khi doanh nghiệp triển khai 5G, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom khẳng định: Viettel đã tiên phong tắt công nghệ 3G. Hiện nay, gần như trên mạng lưới Viettel không còn thuê bao 3G, chỉ còn một số điểm hotspot (điểm truy cập không dây cho phép người dùng kết nối các thiết bị di động vào mạng Internet – PV) để phục vụ truyền dẫn.
Với công nghệ 2G, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến tháng 9/2024, các nhà mạng ngừng cung cấp 2G cho thiết bị 2G Only. “Hiện Viettel đang tích cực chuyển đổi khách hàng 2G lên 4G. Năm sau, nếu có tần số 5G triển khai, Viettel có thể chỉ còn hai công nghệ 4G và 5G vào cuối năm 2024, đồng nghĩa khách hàng Viettel chỉ là các thuê bao 4G và 5G”, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Trước đó, tại tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” ngày 5/12 cũng do ICT Press Club tổ chức, các nhà mạng đều bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương tắt sóng 2G và cho biết đang triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành lộ trình tắt sóng 2G theo đúng kế hoạch Bộ TT&TT đưa ra.
Cụ thể, với Viettel, theo Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom Nguyễn Trọng Tính, việc chuyển đổi các khách hàng 2G lên 4G đã được nhà mạng này thực hiện từ cách đây 4 năm. Bên cạnh đó, Viettel còn là nhà mạng đầu tiên chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công.
Để có thể tắt sóng 2G, mục tiêu Viettel đặt ra trong thời gian từ nay đến tháng 9/2024 là cần dịch chuyển, đưa tỷ lệ thuê bao 2G trên mạng từ khoảng 16% hiện nay xuống còn dưới 5%.
“Việc tắt các công nghệ cũ, dịch chuyển lên công nghệ mới là việc làm có ý nghĩa thiết thực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ.
Nhiều nội dung công việc để thực hiện tắt trạm 2G, 3G đã và đang được Viettel triển khai, như: Đảm bảo vùng phủ của 4G đến hết các khu vực có khách hàng Viettel, bao gồm cả các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ dịch vụ, giá cước cho khách hàng sử dụng dịch vụ 4G; có chính sách hỗ trợ đến 50% giá máy cho khách hàng 2G chuyển lên 4G; triển khai các chính sách kích thích, thúc đẩy khách hàng chuyển dịch lên dùng data, sử dụng smartphone...
Tương tự, với VNPT VinaPhone, Phó trưởng ban Công nghệ VNPT Nguyễn Quốc Khánh cho biết, ngay từ lúc lưu lượng 2G còn khá cao, VNPT đã xác định chiến lược tắt sóng 2G, đưa vào hoạt động xây dựng kế hoạch, phát triển mạng lưới, ưu tiên chỉ còn triển khai 2G kết hợp 3G và 4G. Hoạt động kinh doanh đã được triển khai kết hợp theo các chương trình ưu tiên phát triển thuê bao sử dụng data, 4G.
Hai năm qua, VNPT chủ động tắt các trạm riêng lẻ, gần như nhu cầu lưu lượng không có hoặc rất ít. VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực đó, hiện đã tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.
“VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị 2G only. Các thuê bao này chiếm khoảng gần 3 triệu, tương đương 8% tổng số thuê bao VNPT”, ông Nguyễn Quốc Khánh thông tin thêm.
Còn với MobiFone, theo Phó trưởng ban Truyền thông Lê Mai Sơn, nhà mạng này cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương tắt sóng 2G, chuyển khách hàng sử dụng 2G Only sang 4G/5G để tối ưu tần số, hạ tầng, triển khai thêm nhiều dịch vụ số. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với công nghệ và thời đại.
Ông Lê Mai Sơn cũng chia sẻ, là nhà mạng lâu đời, khách hàng 2G của MobiFone chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 3 triệu trên 20 triệu thuê bao. MobiFone đã tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp. Trước khi tắt, đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dân. Việc triển khai được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Trong trao đổi tại tọa đàm ngày 5/12, đại diện Cục Viễn thông nhận định: “Một nhà mạng không thể tồn tại cùng lúc 2G, 3G, 4G và 5G, rất tốt kém cho việc khai thác, bảo dưỡng, vận hành. Trên cùng 1 cột anten, nếu có thiết bị của 4 công nghệ, rất khó cho việc lắp đặt, vì tải trọng trên cột rất lớn. Do vậy, chủ trương tắt sóng 2G đạt được sự đồng thuận cao. Nếu tắt sóng 2G và 3G, trên mạng sẽ chỉ còn công nghệ 4G. Lúc đó hạ tầng viễn thông của nhà mạng sẽ được dùng cho 5G”.