Từ đại dịch COVID-19, nghĩ về vai trò của tiêm chủng mở rộng
Theo nghiên cứu ban đầu về dịch tễ học của TS. Aaron Miller và cộng sự tại Khoa Y sinh, Trường Y học Xương khớp NYIT (thuộc Viện Công nghệ New York, Mỹ), cho thấy có mối liên quan giữa tiêm vắc-xin phòng bệnh lao (BCG) và giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại các nước.
Qua thu thập dữ liệu về tiêm phòng lao và số lượng ca nhiễm, số ca tử vong do đại dịch COVID-19, sau đó phân tích, so sánh kết quả giữa các quốc gia không có chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đối với bệnh lao như: Mỹ, Lebanon, Hà Lan, Bỉ với các nước có áp dụng chương trình TCMR đối với bệnh lao trong thời gian qua (55 nước, chủ yếu là các nước đang phát triển) với tỷ lệ người nhiễm và tử vong/triệu người dân. Kết quả cho thấy những quốc gia có chương trình TCMR đối với bệnh lao thì có tỷ lệ người nhiễm COVID-19 và tỷ lệ tử vong thấp hơn những quốc gia không triển khai chương trình này.
Tương tự, một báo cáo khác của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) khi nghiên cứu dữ liệu dịch tễ về tiêm phòng lao của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy có mối liên quan giữa tiêm phòng lao và tỷ lệ người nhiễm và tử vong vì COVID-19.
Tuy đây chỉ là các nghiên cứu dựa vào dữ liệu dịch tễ tiêm phòng (chưa được kiểm chứng bởi số liệu lâm sàng) nhưng đã cho thấy những chỉ dấu tích cực ban đầu của TCMR, đặc biệt là vắc-xin lao, đối với nhiễm và tử vong do COVID-19. Hai nghiên cứu này có thể phần nào giải thích cho việc có rất ít trẻ em nhiễm COVID-19, nhờ được tiêm phòng lao.
Ở các nước phát triển, bệnh lao cơ bản đã được khống chế từ nhiều năm trước. Điều này làm cho chính phủ một số nước như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Bỉ quyết định dừng triển khai Chương trình TCMR đối với bệnh lao.
Ở Việt Nam, Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Từ đó tới nay, tất cả trẻ em dưới 2 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận chương trình với 11 vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm bao gồm: vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib...
Có thể nói, cùng với chính sách TCMR hiệu quả, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã cho các kết quả tích cực và được WHO ghi nhận.