Từ danh hiệu đến thực tế
Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Song đó mới là bước khởi đầu cho một quá trình mới. Để Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo thật sự, bên cạnh phát huy hệ thống di sản, làng nghề, thành phố cần đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, xây dựng những thương hiệu văn hóa quốc tế, tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo phát triển, đổi mới tư duy giáo dục.
Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Song đó mới là bước khởi đầu cho một quá trình mới. Để Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo thật sự, bên cạnh phát huy hệ thống di sản, làng nghề, thành phố cần đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, xây dựng những thương hiệu văn hóa quốc tế, tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo phát triển, đổi mới tư duy giáo dục.
Thành phố sáng tạo gồm cả những nội hàm cũ và mới. Trong đó, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, ngay từ khi chưa ứng cử danh hiệu, Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung của xây dựng thành phố sáng tạo, nhất là đổi mới, sáng tạo trong khai khác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và hệ thống làng nghề để thực hiện công tác bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như: Xây dựng thương hiệu Hà Nội với tư cách một trung tâm sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo… vẫn còn mới mẻ, đòi hỏi thành phố tiếp tục có những đổi mới về tư duy, cũng như giải pháp trong thực tiễn.
Công nghiệp văn hóa vốn là một trong những trụ cột của thành phố sáng tạo. Công nghiệp văn hóa bao gồm các ngành: điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn… Đối với điện ảnh, hiện Hà Nội có một hệ thống rạp chiếu phim khá đồ sộ, “phủ sóng” ở tất cả các khu dân cư lớn. Năm 2018, doanh thu từ chiếu phim đạt 4.035 tỷ đồng. Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội từng bước trở thành thương hiệu khi thu hút hàng nghìn nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Song, thực tế hiện nay, Hà Nội là thị trường tiêu thụ điện ảnh, chứ không phải là một nhà sản xuất điện ảnh lớn. Về nghệ thuật biểu diễn, thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng vở diễn mới, chương trình biểu diễn phục vụ các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của Thủ đô và đất nước được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, tổng doanh thu giai đoạn 2017 - 2019 của sáu nhà hát của thành phố mới đạt khoảng 100 tỷ đồng. Tương tự là mỹ thuật, nhiếp ảnh…, khả năng “làm kinh tế” của các loại hình nghệ thuật này chưa cao.
Đối với các không gian sáng tạo, nhận thức chung của xã hội về không gian sáng tạo còn hạn chế. Cách đây mấy năm, khi Hợp tác xã Vụn Art ra đời, hầu hết mọi người đều nghĩ đó chỉ là hoạt động của một nhóm thanh niên khuyết tật, sản phẩm mang nặng tính “từ thiện” khi họ sử dụng nguyên liệu là các mảnh vụn của vải lụa Hà Đông. Phải vài năm sau, Vụn Art mới được thừa nhận là không gian sáng tạo khi cho ra đời những sản phẩm có giá trị mỹ thuật, có tính sáng tạo cao. Hà Nội hiện có tới 190 không gian sáng tạo khác nhau, gồm cả không gian có sự tham gia tổ chức, quản lý của Nhà nước, lẫn không gian của tư nhân. Không gian sáng tạo của Nhà nước nổi bật nhất là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân… Các không gian sáng tạo của tư nhân có: The Vuon (phố Giảng Võ, quận Ba Đình), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ), 60s (ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa), Ơ kìa Hà Nội (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)… Các không gian sáng tạo trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Thiết kế, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, thời trang… Những không gian sáng tạo giúp tạo việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, phần lớn không gian sáng tạo tại Hà Nội gặp khó khăn. Về mặt chính sách, chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa đã không “dành chỗ” cho các không gian sáng tạo.
Rõ ràng, còn nhiều việc phải làm để xây dựng Hà Nội thật sự trở thành thành phố sáng tạo có tầm trong khu vực và trên thế giới. Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia cho biết: “Chúng ta nên xây dựng những sự kiện văn hóa của thành phố thành những thương hiệu văn hóa mạnh, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội. Bắt đầu từ các sự kiện sẵn có này để xây dựng thương hiệu cho Hà Nội, trong đó đáng lưu ý hơn cả là lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon, tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục xây dựng các sự kiện mới, nhất là các sự kiện ẩm thực, thể thao, tuần lễ sáng tạo… Để làm được điều này, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà tổ chức, nghệ sĩ; nhất là khẩn trương xây dựng một cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động sáng tạo trực thuộc UBND thành phố Hà Nội”.
Song song với các giải pháp cụ thể, theo ông Tim Voegele-Downing - cố vấn sáng tạo của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, Hà Nội cần xây dựng tầm nhìn cho một thành phố sáng tạo, bằng cách xây dựng định hướng rõ ràng cho thế hệ trẻ, định vị, xây dựng thành một thành phố quốc tế, thành phố toàn cầu của văn hóa sáng tạo. Trong đó, “linh hồn” của thành phố chính là mạch ngầm văn hóa. Một số chuyên gia khác cho rằng, muốn có thành phố sáng tạo, thì cần có con người sáng tạo. Điều đó phải bắt đầu từ người dân, cũng như các biện pháp giáo dục.
Những thành phố tiên tiến trên thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ từ công nghiệp sản xuất sang công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Hà Nội có lợi thế khi đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, nếu không khẩn trương có những giải pháp thì danh hiệu này không dễ trở thành thực tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tu-danh-hieu-den-thuc-te-620169/