Từ đất của dân thành đất công rồi vào tay doanh nghiệp tư nhân như thế nào?
Phần diện tích đất công rồi vào tay doanh nghiệp tư nhân đã biến thành dự án có tên thương mại Five Star West Lake.
Vợ chồng ông Vũ Văn Nga được Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất, dù chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng hiện nay, phần diện tích đất được xác định của vợ chồng ông bà Nga đã biến thành dự án có tên thương mại Five Star West Lake (dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng).
Đất của dân thành đất công rồi vào tay doanh nghiệp?
Báo Thanh tra đã phản ánh, ngày 8/2/1956, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho vợ chồng ông Vũ Văn Nga và bà Hà Thị Bê, 3 thửa đất theo Sổ địa bạ số 33 có tổng diện tích là 996m2. Trên thửa đất số 2 và số 3 có 5 gian nhà và công trình phụ với tổng diện tích sử dụng đất là 768m2.
Năm 1961, ông Nga và bà Bê cho Đơn vị Quân đội X30 (đơn vị tiền thân Công ty Giầy Thụy Khuê ngày nay) mượn để sản xuất mũ phục vụ kháng chiến chống Mỹ, với mong muốn góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, gia đình ông Nga nhiều lần đặt vấn đề với Đơn vị X30 đề nghị trả lại đất để gia đình sử dụng. Tuy nhiên, sau khi hình thành Giày Thụy Khuê, đơn vị này đã không trả lại đất cho gia đình ông Nga.
Ngày 1/7/1987 Xí nghiệp Giày vải Thượng Đình có đơn xin hợp thức hóa đất tại số 152 - 167 Thụy Khuê.
Ngày 5/10/1987, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 4190 gửi Xí nghiệp Giày vải Thượng Đình với nội dung cho tạm thời sử dụng trên công trình hiện có, không xây mới, khi thành phố quy hoạch đến phải di chuyển không điều kiện.
Ngày 27/6/1998 UBND thành phố Hà Nội đại diện là Sở Địa chính đã ký Hợp đồng thuê đất số 76-245-98/ĐC-HĐTĐ đối với Công ty Giày Thụy Khuê. Diện tích đất cho thuê là 2.672m2. Mục đích để sản xuất theo Tờ khai sử dụng đất số 037 ngày 5/7/1996 của Công ty Giày Thụy Khuê theo Chỉ thị 245/TTg ngày 22/4/1996 sơ đồ và bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 do công ty khảo sát đo đạc lập tháng 11/1997 được kèm theo hợp đồng. Thời hạn thuê 20 năm kể từ ngày 1/1/1996.
Ngày 18/11/2002, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 155/2002/QĐ-UB chấp thuận Công ty Giày Thụy Khuê và Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế đầu tư ký hợp đồng liên doanh để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch khu đất có diện tích 2.665,54,2m2 tại địa chỉ 167 Thụy Khuê.
Sau đó 4 năm, Công ty Giày Thụy Khuê xin rút khỏi liên doanh và chuyển giao cho Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế làm chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án tổ hợp công trình văn phòng làm việc kinh doanh thương mại dịch vụ căn hộ cao cấp và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận trên nguyên tắc đề nghị của công ty. Theo đó, Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Công ty Giày Thụy Khuê.
Kể từ đây, đất công dần dần được chuyển hoàn toàn vào tay doanh nghiệp tư nhân quản lý với vị trí đắc địa tại số 167 Thụy Khuê.
Cho thuê đất hay hợp thức hóa?
Cùng mốc thời gian, năm 1994, gia đình ông Nga vì nhiều lần đề nghị trả lại đất không thành cho nên gia đình ông đã khởi kiện vụ án đòi đất ra Tòa án nhân dân (TAND) quận Ba Đình.
Phúc đáp công văn của TAND quận Ba Đình hỏi về căn nhà và thửa đất tại số 410 ngõ 167 Thụy Khuê liên quan đến việc thụ lý vụ án đòi đất nhà ông Nga, ngày 15/4/1995 tại Văn bản số 649 Sở Nhà đất cho biết, thửa đất số 410 đứng tên ông Vũ Văn Nga và vợ Hà Thị Bê đăng ký năm 1943.
Thửa đất này không trong danh sách sổ quản lý đất theo Thông tư 73/TTg; không có trong danh sách cải tạo nhà cửa năm 1960.
Theo tài liệu do Phòng Địa chính Sở Nhà đất cung cấp thì Thửa số 410 nói trên nằm phần lớn trong diện tích đất hiện nay Công ty Giày Thụy Khuê đang sử dụng.
Sở Nhà đất đã mời Công ty Giày Thụy Khuê là cơ quan đang sử dụng diện tích đất trên đến Sở Nhà đất để xuất trình chứng từ sử dụng đất. Công ty chỉ xuất trình được Công văn số 4190 năm 1987 của UBND thành phố Hà Nội cho sử dụng tạm thời.
Công ty cho biết, được bàn giao từ Xí nghiệp Mũ của quân đội. Về nguồn gốc, công ty không nắm được.
Năm 1996, Sở Nhà đất cũng báo cáo UBND thành phố Hà Nội cùng nội dung trên.
Ngày 27/6/1998, UBND thành phố Hà Nội đại diện là Sở Địa chính ký hợp đồng thuê đất đối với Công ty Giày Thụy Khuê với thời hạn 20 năm kể từ ngày ký.
Theo báo cáo của Sở Nhà đất, Công ty Giày Thụy Khuê không nắm được nguồn gốc cũng như giấy tờ hợp pháp liên quan đến thửa đất tại ngõ 167 Thụy Khuê. Trong khi đó, gia đình ông Nga được xác nhận đứng tên tại thửa đất số 410 ngõ 167 Thụy Khuê. Ngoài ra, gia đình ông Nga còn được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất năm 1956.
Vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội hoàn toàn biết, do được báo cáo từ Sở Nhà đất để phúc đáp các yêu cầu làm rõ thông tin vụ án mà Tòa án Nhân dân quận Ba Đình đang thụ lý.
Vậy, vì sao Sở Địa chính thành phố Hà Nội lại ký hợp đồng thuê đất với Công ty Giày Thụy Khuê trong khi đây là đất của ông Nga?
Ngoài ra, về diện tích Công ty Giày Thụy Khuê được sử dụng cũng có sự mâu thuẫn chênh lệch. Ban đầu chỉ có 2.522m2 sau lên 2.672m2 và cuối cùng là 2.665m2.
Cụ thể, Công văn số 4790 của UBND thành phố Hà Nội năm 1987 đồng ý cho sử dụng tạm thời thửa số 167 Thụy Khuê diện tích 2.522m2, năm 1998 Sở Địa chính Hà Nội ký hợp đồng cho thuê đất 2.672m2 và khi UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế đầu tư không ghi số thửa, tờ bản đồ nào diện tích sử dụng 2.665m2. Trong đó 778m2 sử dụng xây dựng nhà chung cư cao 14 tầng.
Con cháu ông bà Nga cho biết, 778m2 sử dụng xây dựng nhà chung cư cao tầng của dự án tại ngõ 167 Thuy Khuê hiện nay là phần diện tích của gia đình được Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất.
Vụ án tranh chấp đất tại ngõ 167 Thụy Khuê đến nay đã kéo dài 28 năm. Người đứng tên trong thửa đất là ông Nga và bà Bê đã mất từ lâu, các con của ông bà cũng đã già yếu, các cháu của ông bà có người đã cũng qua tuổi 60, nhưng vẫn chờ đợi và mong mỏi chân lý sẽ đến với gia đình.
Theo Báo Thanh tra