Từ đầu tháng 12-2021 Công an xã có thêm quyền hạn gì?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS 2015 đã chính thức có hiệu lực từ 1-12 trong đó có nội dung tăng thẩm quyền cho Công an xã. Vậy, theo quy định mới nhất, lực lượng này có quyền hạn, nhiệm vụ gì?
Điều 9 Pháp lệnh Công an xã nêu rõ, Công an xã có các nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu quản lý, giáo dục đối tượng chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn xã, quản lý người sau cai nghiện, người được đặc xá, người phải quản lý sau khi chấp hành xong án phạt tù; Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã.
Công an xã còn quản lý cư trú, Chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, quản lý an ninh, trật tự các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp.
Ngoài ra, Công an xã còn có nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người bị bắt quả tang; cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai, bảo quản vật chứng…
Bên cạnh đó, Công an xã còn có quyền bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn tại xã, dẫn giải người bị bắt đến cơ quan công an cấp trên; Được huy động người, phương tiện để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã…
Đặc biệt, theo khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS, từ 1-12, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền
Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS 201, chỉ công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho CQĐT.
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền.
Như vậy, Công an xã đã được bổ sung thêm nhiệm vụ kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm trước khi chuyển cơ quan điều tra, nghĩa là có thẩm quyền tương dương với công an phường, thị trấn hoặc Đồn Công an.
Bên cạnh đó, Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự cũng được sửa đổi theo hướng này.
Theo đó, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền.